Cuộc chiến tranh hạt nhân với sự tham gia hai hay nhiều quốc gia dường như là điều không thể tưởng tượng nổi. Nhưng theo giáo sư Tom Nichols từ ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ, có nhiều kịch bản khiến cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bắt nguồn từ một biến cố xảy ra vô tình hoặc cố ý.
Kịch bản nguy hiểm nhất là cuộc chiến tranh giữa một bên là Mỹ và các đồng minh với bên kia là Nga và Trung Quốc. Xung đột hạt nhân cục bộ giữa Ấn Độ và Pakistan hay giữa Iran và Israel dễ hình dung hơn một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô khu vực dù cho có tồi tệ đến đâu cũng không thể phá hủy nước Mỹ hay đe dọa tới toàn nhân loại. Tuy nhiên, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc phía bắc bán cầu, toàn bộ cuộc sống hiện địa sẽ chấm dứt.
Cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan khiến hàng triệu người thiệt mạng và làm cho bầu khí quyển ô nhiễm vĩnh viễn. Tuy nhiên, cuộc chiến đó không thể khiến hệ thống thế giới dừng lại hay có thể dẫn tới cảnh tượng hàng nghìn đầu đạn hạt nhân bị bắn tới hàng trăm thành phố trên toàn cầu. Đó là cuộc chiến “không tưởng” mà người Mỹ đã chuẩn bị trong hàng thập kỷ và vì tình huống đó mà nước Mỹ vẫn duy trì kho vũ khí chiến lược có thể điều động trên không, trên mặt đất hay trên biển. Có 5 kịch bản có thể dẫn tới cuộc chiến hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Tai nạn kĩ thuật
Trong kịch bản chiến tranh xảy ra do vô tình, một chiếc máy tính sẽ bốc khói và Không quân Mỹ sẽ tấn công Moscow. Vũ khí hạt nhân chỉ là những vật vô tri, chúng chỉ là máy móc và máy móc có thể tự hỏng hóc mà không có sự tác động nào của con người.
Mặc dù một cuộc chiến tranh bắt đầu bởi sự hỏng hóc kĩ thuật diễn ra ngẫu nhiên nhưng kịch bản này ít có khả năng diễn ra với cuộc chiến tranh hạt nhân.
|
Một phần trong hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga. |
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các cường quốc dành nhiều thời gian và công sức nhằm tránh vô tình kích hoạt kho hạt nhân của họ đến nỗi cả Mỹ và Liên Xô bắt đầu tự hỏi liệu họ có tạo ra quá nhiều hàng rào để ngăn chặn việc phóng vũ khí hạt nhân nếu xảy ra chiến tranh. Mặc dù khả năng vũ khí hạt nhân bị vô tình phóng ra không phải bằng không nhưng mức độ là rất nhỏ.
Liên Xô từng chế tạo hệ thống radar cảnh báo sớm Perimetr giám sát các dấu hiệu về một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ tự tiến hành đáp trả nếu Liên Xô bị tấn công trước. Sau Chiến tranh lạnh, người Mỹ đã từng hỏi người Nga liệu họ có còn bật hệ thống đó không, người Nga trấn an và còn nói thêm rằng người Mỹ nên lo liệu việc của chính mình trước.
Lỗi từ con người
Chừng nào con người còn điều khiển máy móc, chừng đó sẽ có thể có tai nạn. Tuy nhiên, chiến tranh có thể bắt nguồn từ sự hiểu nhầm của con người.
Lịch sử đã chứng kiến nhiều biến cố như vậy. Vào năm 1995, người Nga không nhớ rằng người Na Uy đã thông báo từ trước cho họ về vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh thời tiết vào vũ trụ. Do đó, Tư lệnh quân đội tối cao Nga đã thông báo với Tổng thống Boris Yeltsin rằng NATO đã bắn một quả tên lửa về phía Nga. Rất may là các nhân vật chủ chốt ở điện Kremlin nhận định rằng Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton sẽ không khơi mào Chiến tranh thế giới III bằng một đầu đạn hạt nhân từ Na Uy. Ngoài ra, mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Clinton và Tổng thống Yeltsin cũng khiến Tổng thống Nga nghi ngờ việc Mỹ bất ngờ tấn công.
|
Tên lửa Topol với khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. |
Ngoài ra, các biến cố cũng có thể xảy ra vô tình do đàn chim, do máy tính bất chợt gặp sự cố và ánh mặt trời chiếu vào các đám mây (máy tính của Liên Xô có thể diễn giải đó là dấu hiệu của tên lửa Mỹ đang tới).
Tuy nhiên, vấn đề then chốt ở đây không phải là công nghệ mà mối nguy hiểm từ việc con người có thể đưa ra các chỉ thị trả đũa không thể rút lại được. Khi căng thẳng không lên cao quá, mối rủi ro này sẽ thấp nhưng luôn luôn là một trong các khả năng. Nếu lỗi kĩ thuật kết hợp với sự tính toán sai lầm của con người, nguy cơ xảy ra chiến tranh là điều hiện hữu.
Thể hiện sức mạnh
Khi đi từ các lỗi kĩ thuật cho tới yếu tố con người, bóng dáng chiến tranh ngày càng rõ nét hơn. Máy móc có thể có sai sót nhưng nếu không xảy ra một cuộc khủng hoảng quốc tế hay có dấu hiệu khủng hoảng, không quốc gia nào tiến tới chiến tranh vì lỗi kĩ thuật. Mặc dù các nhà báo và các chuyên gia an toàn hạt nhân đã công bố nhiều cuốn sách về các rủi ro kĩ thuật, điều đáng lo ngại hơn có lẽ là một quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân có chủ ý.
Sai lầm tệ hại nhất về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là quan niệm cho rằng đây cũng giống như các vũ khí thông thường khác. Ngược lại, sai lầm thứ hai là quan niệm rằng vũ khí hạt nhân có thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt chính trị hay chiến lược bằng cách sử dụng “những phát đạn phô diễn” hay phô trương sức mạnh hạt nhân bằng cách kích nổ một vũ khí hạt nhân ở gần, mà không phải ở chính nơi xảy ra xung đột.
|
Tên lửa Minuteman với khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. |
Nếu nước Mỹ thực hiện một vụ nổ như vậy, chắc chắn người Nga hay người Trung Quốc sẽ chú ý và các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ coi đó là “khoảnh khắc thể hiện rõ nét” và mọi người sẽ suy nghĩ về những rủi ro họ sẽ phải gánh chịu nếu đối mặt với cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhưng việc dựa vào “sự thể hiện rõ nét” đó có thể là canh bạc vô cùng nguy hiểm. Có thể một vụ nổ hạt nhân nhằm phô trương sức mạnh lại khiêu khích khiến đối thủ hành động tương tự. Hai bên sẽ liên tục “giễu võ giương oai” và tiến sát dần tới xung đột thực sự.
Điểm mấu chốt của kịch bản này là tình trạng tính toán sai lầm, vấn đề vẫn thường diễn ra trong các mối quan hệ quốc tế. Một quốc gia không thể tiến hành một vụ nổ phô diễn sức mạnh và mặc định rằng đối thủ sẽ “thông suốt” và không phản ứng lại. Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng một vụ nổ hạt nhân sẽ khiến kẻ thù thấu hiểu và không bị kích động.
Bị lôi kéo vào chiến tranh
Đôi khi kẻ thù nguy hiểm nhất chính là những người bạn của chúng ta. Ngay cả khi Mỹ không có kế hoạch dấn thân vào một cuộc xung đột hạt nhân, các đồng minh của Mỹ hoặc các cường quốc khác có thể đang xây dựng kế hoạch đó. Hàn Quốc là một ví dụ.
|
Danh sách các nước có vũ khí hạt nhân trên thế giới. |
Cách đây vài năm có tin đồn rằng Mỹ sẽ xem xét đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới bán đảo Triều Tiên và người Mỹ vội vàng bác bỏ tin đồn này. Nếu Iran có bom hạt nhân, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả rập Xê út có thể sẽ “nối gót”. Trong trường hợp đó, có thể Mỹ sẽ can thiệp để ngăn chặn trước khi các quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bước tiếp theo khiến một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra là một cường quốc khác như Nga hay Trung Quốc cũng can dự. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh Trung Đông hoặc châu Á nổ ra có sự tham gia của Nga hoặc Trung Quốc và các nước nhỏ cho rằng để lôi kéo Mỹ tham gia vào cuộc xung đột đó, họ cần sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
Được vạ má đã sưng
Cuối cùng, con đường dẫn tới chiến tranh hạt nhân bắt nguồn từ nguồn gốc cố hữu của mọi cuộc chiến tranh: sự ngu dốt của con người. Có thể các cường quốc cũng có thể tự quyết định rằng cần phải có một cuộc chiến như vậy.
Nếu Trung Quốc quyết định thể hiện chủ quyền trong các cuộc tranh chấp ở Thái Bình Dương và dấn thân vào một cuộc xung đột với Mỹ trên biển, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ thua. Khi đó, Trung Quốc phải đứng trước sự lựa chọn: đầu hàng vô điều kiện hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh bật Mỹ. Kịch bản tương tự cũng có thể diễn ra ở châu Âu nếu Nga và NATO đối đầu.
Kịch bản này có tên gọi “chờ được vạ thì má đã sưng” bởi lẽ quốc gia giành chiến thắng bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phải trả cái giá giống như quốc gia chiến bại.
Các kế hoạch chiến tranh dường như được lập bởi các nhà chiến lược đầy bi quan chỉ nghĩ tới tình huống tồi tệ nhất. Tuy nhiên, nghịch lý là các ý tưởng về chiến tranh hạt nhân lại bắt nguồn từ những giả định quá lạc quan. Đó là những giả định rằng đối thủ sẽ suy nghĩ hợp tình hợp lý, rằng một quốc gia có thể thu thập khối lượng thông tin gần hoàn hảo. Chiến tranh hạt nhân cũng có thể bắt nguồn từ sự liều lĩnh hay sự ảo tưởng về khả năng kiếm soát khiến căng thẳng không leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Khả năng diễn ra chiến tranh hạt nhân là rất nhỏ nhưng không phải bằng không và nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra, những hậu quả của cuộc chiến đó sẽ nằm ngoài sự tưởng tượng của con người.
Tùng Lâm