Dưới đây là 4 kịch bản tiềm năng:
1. Nội chiến và tác động đối với châu Âu
Ukraine có diện tích tương đương với nước Pháp và dân số gấp đôi Syria. Nếu xung đột đẫm máu ở thủ đô Kiev tuần qua là giai đoạn đầu của một cuộc nội chiến, đây sẽ là tai họa kinh hoàng chưa từng xảy ra ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Hậu quả của cuộc nội chiến đối với 45 triệu người Ukraine rõ ràng là bi thảm. Các thành phố lịch sử như
Kiev, Lviv hoặc Odessa có thể bị hủy diệt, trở thành các thành phố hoang tàn như Aleppo (Syria) hoặc Sarajevo (Bosnia).
|
Thủ đô Kiev bị tàn phá nặng nề sau khi bạo động leo thang mất kiểm soát.
|
Tuy nhiên, các nước thành viên của Liên minh châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa từng có.
Chưa hết, giả sử nội chiến xảy ra ở Ukraine, lấy cái cớ dân thường và các lực lượng thân phương Tây chịu thương vong nặng nề, phương Tây hoặc sẽ tự động hoặc sẽ bị gây áp lực để can thiệp ở đây. Tương tự như những gì từng xảy ra ở Bosnia và Kosovo, phương Tây có thể tiến hành các cuộc không kích tại Ukraine.
Nga cũng sẽ không ngồi yên nhìn phương Tây công khai hỗ trợ phe đối lập ở Ukraine. Giả sử phương Tây quyết tấn công Ukraine, nhiều khả năng sẽ gây ra cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
2. Tổng thống Yanukovych lật ngược tình thế - biểu tình chấm dứt
Trong bối cảnh hàng chục người biểu tình bị cảnh sát bắn chết trong tuần qua, quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Yanukovych và quyết định cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức vào ngày 25/5 tới. Tuy nhiên, ông
Yanukovych mạnh mẽ tuyên bố, ông là Tổng thống được bầu hợp pháp và sẽ từ chức. Đồng thời, ông cáo buộc những gì đang diễn ra tại Kiev là “một cuộc đảo chính”, giống như những gì Đảng Quốc xã đã làm tại Đức để lên nắm quyền những năm 1930.
|
Tổng thống Yanukovych (trái) và Tổng thống Nga Putin.
|
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nga, nếu Tổng thống Viktor Yanukovych thành công trong việc thỏa thuận với phe đối lập, người biểu tình giải tán, Ukraine sẽ vẫn nằm trên quỹ đạo của Nga (Tổng thống Putin từng mạnh mẽ tuyên bố, Ukraine không được phép ra khỏi quỹ đạo của Nga). Giống như các nước cựu thành viên Liên Xô, Belarus và Kazakhstan, Ukraine sẽ trở thành một phần của liên minh Á-Âu do Nga dẫn đầu.
Chưa hết, từ thành công ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thêm tự tin để theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực hơn ở những nơi khác, khẳng định ảnh hưởng của Moscow ở Trung Á, vùng Caucasus và thậm chí gây áp lực lên các nước vùng Baltic - thành viên EU và NATO cũng như những nơi khác ở miền đông châu Âu .
Từ đó, các thỏa thuận liên kết giữa Ukraine với Liên minh châu Âu sẽ không có cửa. Đồng thời, một Ukraine là một phần thuộc liên minh bao gồm các quốc gia do Nga dẫn đầu sẽ có khả năng gây ra mối đe dọa “tống tiền” nền kinh tế nhiều quốc gia EU. Lý do là nhiều nước EU phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga chạy qua các đường ống xuyên Ukraine. Kế hoạch “Quan hệ đối tác phía đông” của Liên minh châu Âu dọc theo biên giới của họ sẽ bị phá vỡ. Châu Lục sẽ có sự phân chia mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
3. Khả năng chia cắt, phân vùng
Nhìn vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2010 từng giúp ông
Yanukovych lên nắm quyền lãnh đạo Ukraine sẽ thấy rõ mức độ phân chia ở nước này.
|
Nhiều nhà quan sát cảnh báo, Ukraine đang đối mặt với nguy cơ chia cắt.
|
Phía bắc và phía tây ủng hộ mạnh mẽ cho ứng cử viên thân phương Tây là bà
Yulia Tymoshenko, hiện vừa được phóng thích khỏi nhà tù và đang kêu gọi phe đối lập tiếp tục biểu tình. Trong khi đó, phía nam và phía đông Ukraine ủng hộ ông Yanukovych.
Nguy cơ Ukraine bị chia rẽ là hoàn toàn có khả năng. Người biểu tình ở Lviv - thành phố lớn ở phía tây - đã đe dọa đòi ly khai trong bối cảnh chế độ Tổng thống Yanukovych siết chặt đàn áp biểu tình tại thủ đô Kiev. Tương tự, người phía đông, ủng hộ và được Nga hỗ trợ cũng có thể tuyên bố ly khai nếu các lực lượng thân phương Tây chiếm thế thượng phong ở thủ đô. Nga từng hỗ trợ các phong trào ly khai tại các cựu thành viên thuộc Liên Xô thân phương Tây điển hình là Georgia và Moldova. Đáng chú ý, giới chức Nga cho biết, Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng để giành lại Ukraine nếu nước này “rơi vào vòng tay của phương Tây”.
4. Ukraine hồi sinh
Bạo lực leo thang trong tuần này phá hoại hy vọng
khủng hoảng Ukraine có thể chấm dứt nhờ một thỏa thuận hòa bình và vẫn có thể duy trì nền dân chủ vừa thân Nga nhưng vẫn có quan hệ tốt với cả phương Tây.
|
Trong thời điểm này, hy vọng về một giải pháp hòa bình giúp Ukraine hồi sinh dường như là điều rất mong manh.
|
Tuy nhiên, một số người vẫn duy trì hy vọng về một giải pháp – nếu Tổng thống Yanukovych, Tổng thống Putin và phe đối lập đều nhận thấy những hiểm họa to lớn từ một cuộc đối đầu, xung đột, thậm chí nội chiến và muốn tránh viễn cảnh đó.
Ukraine có thể hồi sinh nếu Nga và phương Tây đồng lòng giúp đỡ xây dựng lại nền kinh tế suy yếu của Ukraine và để người dân nước này tự lựa chọn con đường phát triển riêng - có thể cho phép duy trì quan hệ kinh tế với cả hai bên. Nếu khả năng này xảy ra, một Ukraine thịnh vượng và ổn định sẽ trở thành đối tác quan trọng của châu Âu và Mỹ đồng thời thành cầu nối giữa đông và tây.
Bạch Dương (tổng hợp)