Chăm học từ bé
Sim sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã đặc biệt khó khăn nên so với các bạn cùng trang lứa, con đường đến trường của em cũng vất vả hơn nhiều. Bố mẹ em chỉ có mấy sào ruộng, chịu khó bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn và tằn tiện để lo cho 2 con ăn học. Cách đây vài năm, gia đình em vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm nay có khá hơn nhưng vẫn thuộc top hộ cận nghèo. “Từ lúc em đi học cấp 2 đến giờ, nhà em vẫn nghèo lắm. Nhất là khoảng thời gian giáp hạt, nhà chẳng có gì, gạo nấu cơm cũng chẳng có. Lúc đó chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. May sao, em đi học nội trú, được ăn cơm “nhà nước” nên bố mẹ cũng đỡ phần nào”, nữ sinh Tày xinh đẹp chia sẻ.
|
Hoàng Thị Sim đã chạm một tay vào ước mơ là trở thành sinh viên trường Học viện An ninh. Ảnh: L.S |
Sim cho hay, từ nhà em đến Trường THPT Dân tộc nội trú Yên Bái dài hơn 100km. Vì đường sá xa xôi, điều kiện còn khó khăn nên con em của các gia đình trong thôn không có mấy người học lên tới đại học. Những ai học khá, gia đình tạo điều kiện cũng chỉ đi học cao đẳng, học nghề. Còn lại cứ tốt nghiệp cấp 3, đều bôn ba vào miền Nam làm công nhân. Sim kể: “Gia đình em bên nội, bên ngoại đều rất nghèo, cho con cái đi học là cả sự cố gắng lớn của bố mẹ. Em có 7 anh chị, em họ, chỉ có em với 1 anh nữa học đại học. Còn lại tốt nghiệp THPT xong là đi làm”.
Môi trường đại học vốn có nhiều bỡ ngỡ với các tân sinh viên, nhưng với Sim, một cô học trò có thành tích “xa nhà” đi học nhiều năm liền. Sim ngay lập tức bắt nhịp được và có rất nhiều dự định. Dự định của cô sinh viên nhỏ sẽ cố gắng học thật tốt, giành được học bổng, tham gia các hoạt động xã hội và trở thành một chiến sĩ công an mẫu mực, giúp ích được cho mọi người.
Động lực để Sim vươn lên, cố gắng học hành chính là sự động viên, chịu khó của bố mẹ. Sim nhớ, những ngày khi em đang học cấp 2, vì cuộc sống quá khó khăn, cố gắng nhiều nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo, bố em cũng chán nản. Bố và mẹ thường xuyên cãi nhau. “Đến lúc không còn chịu đựng được nữa, mẹ em có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhưng vì em lúc đấy vẫn còn đang đi học, nếu chuyển đi, lỡ dở việc học của em nên mẹ em lại gắng gượng. Đến cấp 3, em thi được vào trường nội trú tỉnh, gia đình em mới yên ấm trở lại. Cứ nghĩ đến những hy sinh của bố mẹ, em càng quyết tâm cố gắng học hơn nữa”, Sim bộc bạch.
Trở lại mạnh mẽ hơn
Nhiều năm liền, Sim là học sinh giỏi và đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cao nhất là giải Khuyến khích quốc gia môn lịch sử năm lớp 12. Được một anh làm ở trong xã, tốt nghiệp trường Học viện An ninh định hướng, Sim có ước mơ trở thành một chiến sĩ công an. Tự tin vào khả năng của mình, Sim đi thi nhưng kết quả không được như mong muốn. Em không đủ điểm để vào trường An ninh. “Lúc đó, em cũng sốc lắm vì mình đã cố gắng hết sức nhưng lại trượt. Cứ nghĩ tới bao vất vả, kỳ vọng của bố mẹ vào mình, nước mắt lại cứ trào ra. Em đủ điểm để vào trường đại học khác, nhưng lại không đúng với ước mơ của mình. Thấy em buồn, bố mẹ em cũng không rầy la gì. Chỉ gọi vào động viên cố gắng học để thi lại vào năm sau. Bố bảo, cứ chăm chỉ học, bố mẹ vất vả thêm một hai, năm nữa cũng chẳng sao. Chỉ mong em quyết tâm để làm cho được”, Sim chia sẻ.
Được sự động viên của bố mẹ, một năm ở nhà em vừa tranh thủ giúp bố mẹ công việc đồng áng vừa ôn lại những kiến thức đã học. Gần sát kỳ thi, bố mẹ cho em xuống thành phố theo học trung tâm để hệ thống hoá lại kiến thức. Nói về bí quyết để không rơi rụng kiến thức sau một năm ở nhà, Sim cho biết: Em phân chia thời gian chứ không để dồn tới lúc gần thi rồi mới bắt đầu ôn tập. Em chủ động hỏi các thầy, cô giáo về để cập nhập những thông tin mới trong thi cử. Chịu khó nắm bắt các thông tin xã hội để có thêm vốn kiến thức để làm những phần thi tự luận. Cơ bản là không được nản lòng, vì tự học rất dễ nản”.
Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):
Theo Lê San/Dân Việt