Thực chất thời đó đồ da chủ yếu phục vụ người Pháp. Trên các phố Hàng Da, Hà Trung, Ngõ Trạm có nhiều cửa hiệu may yên ngựa với giày tây cho người Pháp. Cho đến bây giờ, phố Hàng Da nổi tiếng với các quán ăn nhiều hơn và cũng chỉ còn phố Hà Trung còn làm đồ da.
|
Các bạn trẻ say mê chế tác đồ da. |
Người Hà Nội có hẳn con phố Hàng Da trước kia chuyên buôn bán da thuộc và các đồ làm bằng da. Thế nhưng, chợ đồ da ngày chủ nhật thứ ba trong tháng 8 trên phố Ngô Văn Sở lại tụ hội toàn các anh tài vốn không liên quan gì đến các gia đình có nghề truyền thống. Thứ đưa họ đến với nhau là niềm đam mê chế tác đồ da. Ban đầu có thể chỉ là do bị đứt chiếc dây da đồng hồ, đi tìm mua thấy đắt hoặc không ưng ý. Thế rồi bỗng gặp cậu bạn thân đang mày mò chơi, thế là làm thử cái dây đồng hồ bằng da thật, cũng có sơn viền cạnh, có đỉa, có cả chạm khắc tên riêng. Và chợt thấy hay, rồi tìm hiểu mà say mê lúc nào không rõ.
Khác một chút với nghề may, chế tác đồ da cần rất nhiều dụng cụ đi kèm với giá cả vô cùng phong phú. Nếu làm chơi thì 1 triệu đồng là được 1 bộ đủ đục lỗ, lấy dấu, đục chạm hình, dao xén, dao lạng. Nhưng nếu cầu kỳ có khi lên đến vài triệu đồng cho đầy đủ bộ da cụ. Mỗi chiếc đục lại có công dụng riêng, thậm chí cho loại da riêng. Với người mới chơi da, đa số sẽ chọn mua da đã nhuộm màu.
Còn với người đã tung hứng được kỹ thuật chạm và sơn sẽ chọn da mộc. Nguyên một tấm da bò hay cừu đã thuộc vẫn để mộc. Da được tính theo con (nguyên bộ da) hoặc theo pia (30cm x 30cm). Tùy vào sản phẩm là thứ gì để chọn phần da. Thắt lưng cần đanh nên đa số chọn phần lưng của da trâu, bò hay voi tùy theo số tiền bỏ ra.
Khi muốn chế tác một sản phẩm đồ da cho riêng mình, dân chơi da sẽ biết cách chọn phần da, loại da, chiều co giãn của da để lấy vật liệu. Miếng da phải đo và cắt rất cẩn thận do dễ bị bai nếu dùng kéo không sắc và không khéo. Sau đó, lại chạm hình lên mặt da, dùng đục đục chìm để làm “chìm” hoặc lẩy nổi họa tiết. Mỗi chi tiết rất tỉ mỉ như chạm hình từng sợi lông con chim hút mật, đôi mắt thiên thần... Có khi lại lọng cho thủng hẳn chỗ họa tiết đó rồi đệm miếng da khác màu hoặc dùng kỹ thuật sơn.
Để chạm đẹp một chiếc ví nam hay bìa cuốn sổ có khi mất cả tuần lễ tỉ mẩn từ vẽ phác họa, chạm thô, lấy nét. Sau đó, dân da dùng kỹ thuật đánh cạnh và sơn viền. Kỹ thuật sơn mặt họa tiết khiến cho nhiều “dân da” mất ăn mất ngủ. Chợ da đã tổ chức được lần thứ hai và lần này còn tổ chức thi chế tác ngay tại chỗ trong 4 tiếng đồng hồ. Cứ nghĩ kim và chỉ là dành cho con gái, dao và búa dành cho con trai.
Nhưng thực tế, dân đến chợ đồ da trai gái đủ cả. Đều được phát 1 pia da, nam cũng khâu từng mũi chỉ gắn chiếc khóa kéo với miếng da để làm ví, nữ cũng tay dao lạng cho mép da mỏng bớt, tất cả say mê chế tác sản phẩm mang phong cách rất riêng. Chiếc đục 4 lỗ nghiêng tạo lỗ cho mép ví, sợi chỉ tạo cho đường khâu như những dấu gạch song song đều chằn chặn.
Ngoài chợ da, hiện có hẳn những nhóm trên facebook chuyên về da, bán da, bán đồ và cả chia sẻ kinh nghiệm chế tác khiến cho các sản phẩm ngày càng tinh xảo. Để làm một chiếc ví đẹp, mang phong cách riêng với hoa văn chạm trổ cầu kỳ mất đến vài ngày mà giá bán chỉ vài trăm nghìn. Quan trọng nhất là được sống chậm với đồ da giữa thời đại cái gì cũng nhanh, cũng vội.
Theo ANTĐ