Sự biến chuyển của các chuẩn mực về gia đình đang mở ra những không gian mới cho việc thoả hiệp giữa những người đồng tính ở Trung Quốc với cha mẹ họ.
Nắm chặt bức ảnh con trai trong tay, Michael lên chuyến bay từ Thượng Hải đến Bắc Kinh để thực hiện một cuộc trò chuyện đầy khó khăn.
Sau bữa tối với bố mẹ, Michael long trọng tổ chức một cuộc họp gia đình và thừa nhận bí mật anh từng giữ kín trong nhiều năm: Anh là người đồng tính. Nhưng một bí mật khác còn gây sốc hơn: Anh đã có một cậu con trai.
Mặc dù đã sống cùng người tình đồng giới 8 năm nay, nhưng Michael chưa bao giờ công bố thông tin này. Năm 2013, sau khi cặp đôi ổn định công việc, chỗ ở, họ quyết định thuê người sinh con hộ. Vài tháng đầu sau khi con trai chào đời, họ chăm sóc con cùng một vú em, nhưng không lâu sau, cặp đôi nhận ra mình không kham nổi. Cuối cùng, Michael - cha ruột của đứa bé đã lấy hết can đảm nói chuyện với bố mẹ anh để nhờ họ giúp chăm sóc con.
Ngay sau khi thông báo cùng lúc 2 tin bất ngờ, Michael đưa tấm hình con trai cho bố mẹ xem. Dĩ nhiên, họ cũng sốc và câu hỏi đầu tiên được đặt ra là “con có chắc nó là con của con không?”, “con không nói dối bố mẹ chứ?”.
Michael nhớ lại câu chuyện và kết luận rằng việc thông báo cho bố mẹ khi đã có con mang lại cho anh một lợi thế: Bố mẹ anh không còn nhiều thời gian để quan tâm đến xu hướng tình dục của anh nữa. Một tuần sau, họ đến Bắc Kinh để giúp con trai trông cháu.
|
Li và Xu - một cặp đồng tính nam người Trung Quốc và cậu con trai. Ảnh minh hoạ: Narratively |
Nếu như trở ngại chính của cộng đồng LGBT ở Mỹ hoặc các nước phương Tây là chủ nghĩa bảo thủ của các tôn giáo thì cộng đồng LGBT ở Trung Quốc lại phải đối mặt với một thách thức khác. Áp lực nối dõi tông đường mới là trở ngại của họ.
Để giảm bớt áp lực này, nhiều người đồng tính đã chọn kết hôn với những người khác giới bình thường, hoặc ký hợp đồng hôn nhân với những người đồng tính khác giới.
Tuy nhiên, việc kết hôn giả không hoàn toàn làm giảm bớt áp lực lên mối quan hệ giữa người đồng tính và phụ huynh. Nhưng việc sinh con thì lại khác. Đứa trẻ sẽ khiến các bậc phụ huynh già có mối quan tâm mới. Cùng với bố mẹ chúng, họ sẽ chia sẻ chung một mục tiêu: Đảm bảo cho đứa trẻ không phải thua kém ai trong một đất nước đang cạnh tranh khốc liệt về tài nguyên kinh tế, giáo dục và xã hội.
Sau một thời gian ngắn bùng nổ chủ nghĩa cá nhân vào những năm 1980, các gia đình nhiều thế hệ ở Trung Quốc lại quay về cách sống như trước đây - tức là bố mẹ lại giúp đỡ con cái trong cuộc sống trưởng thành của chúng. Nguyên nhân là do sự bất ổn về mặt kinh tế và sự thiếu mạng lưới an toàn về mặt xã hội.
Thêm vào đó, những tác động của chính sách kế hoạch hoá gia đình ở nước này đã làm tăng đáng kể sự đầu tư về mặt tình cảm cũng như vật chất của thế hệ lớn tuổi vào đứa con duy nhất.
Ngược lại với mẫu gia đình truyền thống tập trung vào tổ tiên, những gia đình hiện tại ở Trung Quốc đang dành sự quan tâm lớn cho những đứa trẻ.
Vô tình, điều này khiến các gia đình đồng giới “dễ thở” hơn trong mối quan hệ với bố mẹ, bởi vì những người già đã có một mối quan tâm quan trọng hơn giới tính của con cái họ. Đây chính là yếu tố tạo cơ hội cho các mối quan hệ gia đình mới ở Trung Quốc.
Giống như Michael, nhiều người đồng tính cũng chọn thời điểm công khai giới tính với bố mẹ sau khi đã có con.
Sinh ra ở một miền quê, Liangliang công khai giới tính năm con trai anh được 2 tuổi. “Thằng bé đã biết gọi ‘ông ơi’, ‘bà ơi’ và tôi nói với bố mẹ rằng ‘mình cùng nấu gì đó cho thằng bé ăn đi’. Trong khi họ chuẩn bị đồ ăn, tôi đã gọi cho chồng tôi và bảo anh ấy ghé qua nhà. Đó là một thời điểm rất tự nhiên để chúng tôi công bố”.
Một phụ nữ đồng tính khác thì có mối quan hệ phức tạp hơn. Cô kết hôn thoả thuận với một người đồng tính nam để không bị nhòm ngó. Sau khi biết “chồng” mình không có ý định sinh con, mẹ cô đã đề nghị anh hiến tặng tinh trùng cho con gái mình. Hiện tại, cả 3 mẹ con, bà cháu họ đang sống cùng nhau, trong khi anh chồng đang sống với người tình của mình. Thỉnh thoảng, họ cũng ghé qua thăm đứa trẻ.
Mặc dù chiến thuật sinh con mới khai báo không có hiệu quả với tất cả mọi người, song khi chuyện này xảy ra, nỗi lo lắng của các phụ huynh về tính dục của con bị phai nhạt đi đáng kể. Lúc này, họ muốn trở thành một phần trong cuộc sống của đứa cháu. Cũng giống như mọi gia đình khác, đôi khi hai bên xảy ra tranh cãi về cách nuôi dạy trẻ, nhưng mối quan hệ giữa họ cũng được cải thiện khi đứa bé ra đời.
Trong những năm gần đây, các bậc cha mẹ ngày càng lên tiếng ủng hộ giới tính của con cái nhiều hơn thông qua các tổ chức như PFLAG Trung Quốc và các kênh truyền thông.
Việc làm rõ vai trò phức tạp của gia đình đối với cuộc sống của người đồng tính Trung Quốc là vô cùng quan trọng để hiểu được phong trào LGBT ở nước này.
*** Trích đăng bài viết của Giáo sư xã hội học Wei Wei, ĐH Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc
Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet