Đối với cộng đồng LGBTQ+ ở Ấn Độ, đại dịch không chỉ đảo lộn cuộc sống thường ngày, đe dọa tính mạng con người mà còn đẩy họ vào chuỗi ngày bi kịch khi phải che giấu xu hướng tính dục để chung sống với gia đình, theo VICE.
Reema (20 tuổi), một người chuyển giới nữ, chuyển tới sống cùng cha mẹ ở Delhi khi Covid-19 bùng phát.
"Thời gian qua, tôi phải ăn mặc như một người đàn ông, gằn giọng trầm xuống. Toàn bộ quần áo, đồ trang điểm của tôi đều bị giấu đi. Tôi không được sống là chính mình", cô nói.
|
Những bạn trẻ Ấn Độ thuộc cộng đồng LGBTQ+ buộc phải che giấu giới tính, xu hướng tính dục khi sống cùng gia đình giữa Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Cưỡng ép trị liệu xu hướng tính dục
Chia sẻ với VICE, Reema cho biết mỗi cuối tuần, gia đình sẽ đưa cô tới gặp một thầy đồng để "trị liệu giới tính" nhờ phương pháp tâm linh, với hy vọng cô sớm trở về là nam giới.
Theo báo cáo năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố, liệu pháp chuyển đổi xu hướng tính dục đều dựa trên niềm tin sai lầm, phi khoa học và kêu gọi các nước cấm thực hiện điều này.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ, các buổi trị liệu như trên không bị coi là bất hợp pháp và được tiến hành phổ biến tại các viện tâm thần hoặc cơ sở điều trị bằng phương thức tâm linh.
Những người LGBTQ+ trẻ tuổi thường phải chịu cảnh sốc điện, đánh đập, tiêm hormone hay bị cưỡng bức để "thay đổi giới tính".
|
Tình trạng người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+ buộc phải đi điều trị cưỡng bức để "thay đổi" xu hướng tính dục tăng cao trong đại dịch. Ảnh: iStock. |
Ngày 12/5/2020, Anjana Harish (21 tuổi), một người đồng tính nữ, đã tự sát tại nhà riêng ở Goa. Trong đoạn video ghi lại lời trăn trối, Anjana khẳng định việc bị lạm dụng tại trung tâm điều trị xu hướng tính dục là nguyên nhân dẫn tới cái chết của cô.
Sự việc trên trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, thôi thúc các nhóm hoạt động vì quyền LGBTQ+ hành động.
Rajashree Raju, thành viên tổ chức Queerala, đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Keraia nhằm kiến nghị cơ quan pháp lý ban hành lệnh cấm thực hiện các liệu pháp điều trị cưỡng bức. Phiên tòa xét xử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/5 tới.
Bản kiến nghị được đưa ra trước tình trạng chuyển đổi giới tính, xu hướng tính dục của người LGBTQ+ diễn ra phổ biến, trầm trọng hơn giữa Covid-19.
"Chúng tôi thường giúp các bạn trẻ tìm kiếm chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để an ủi tinh thần nhưng trong thời gian phong tỏa, mọi đường dây đều quá tải. Các cuộc gọi tố cáo bạo lực, tấn công tình dục và cầu cứu dồn đến gần như mỗi ngày", Raju nói.
Mallika, cố vấn thuộc Tổ chức Nhận thức, Chăm sóc và Trao quyền cho con người (SPACE), nhận định các cuộc gọi khủng hoảng đến từ những người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+ tăng cao giữa Covid-19.
"Thông thường, chúng tôi nhận khoảng 40-50 cuộc gọi hàng ngày. Tuy nhiên, trong thời gian phong tỏa toàn quốc, con số đó tăng lên 60-75 cuộc, đến từ hầu như mọi vùng ở Ấn Độ", cô nói.
Gia đình không chấp thuận
Soham (23 tuổi), người đồng tính nam sống tại phía bắc Haryana, kể với VICE rằng những ngày phong tỏa ban đầu khiến mối quan hệ giữa anh và gia đình khăng khít hơn.
"Tôi nghĩ họ sẽ chấp nhận con người thật của tôi, nhưng hóa ra không phải vậy", anh nói.
Ngay khi biết con trai là người đồng tính, cha mẹ Soham lập tức nói đây là một căn bệnh và yêu cầu anh phải chữa trị ngay lập tức. Sau cùng, họ nghĩ tới việc cưới vợ cho anh.
"Cha mẹ tôi ngày nào cũng nhắc tới một họ hàng xa 'từng là người đồng tính' nhưng đã 'bình thường' trở lại sau khi anh ta kết hôn và có con. Tôi không muốn như vậy", Soham chia sẻ.
|
Tại Ấn Độ, không nhiều gia đình có thể chấp nhận xu hướng tính dục của con cái mình. Ảnh: CNN. |
Angelica (24 tuổi), một người chuyển giới nữ ở thành phố phía nam Bengaluru, hoàn toàn đồng cảm với Soham. Cô là một trong nhiều người chuyển giới chọn giấu kín xu hướng tính dục và giới tính với cha mẹ vì sự an toàn của chính mình.
"Tôi từng bị đánh thuốc mê và đưa đến một viện tâm thần ở Kerala vì 'mắc bệnh', nhưng tôi biết mình hoàn toàn bình thường. Tôi chỉ muốn sống như một cô gái", Angelica nói.
Tới nay, gia đình cô vẫn luôn nghi hoặc và cố gắng ép con thừa nhận giới tính sinh học của mình. Angelica cho biết cha mẹ đang có ý định đưa cô tới một thầy đồng để "chữa bệnh tận gốc".
Thực tế, tình trạng nhận thức và chấp nhận cộng đồng LGBTQ+ ở các bậc cha mẹ Ấn Độ vẫn còn rất hạn chế.
Sweekar (có nghĩa là "chấp nhận" trong tiếng Hindi), hay Hiệp hội Phụ huynh Cầu Vồng, là nhóm gồm hơn 150 phụ huynh là người LGBTQ+ đang hoạt động nhằm chống lại liệu pháp chuyển đổi cưỡng bức.
"Các bậc cha mẹ lớn lên trong thế giới dị tính nên phản ứng hoảng loạn, sốc tinh thần khi con cái họ công khai xu hướng tính dục là chuyện tất yếu. Chúng tôi luôn mở rộng cửa để trấn an, cung cấp kiến thức cho những phụ huynh như vậy", Tiến sĩ Nilakshi Roy, một thành viên trong nhóm, nói.
Tiến sĩ Roy cho biết xã hội cần nhận thức rằng các liệu pháp chuyển đổi cưỡng bức cần bị xóa sổ.
Hiện tại, những bạn trẻ như Reema đang nuôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm thay đổi. "Tôi không muốn gì hơn ngoài được tự do sống đúng là mình
Theo Trang Minh/Zing