...Thế nhưng, những lô đất 100m2 có thời hạn thuê đất 48 năm ở vị trí đẹp của dự án đang có giá cả chục tỉ đồng.
Người dân hết đất canh tác?
Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại Vĩnh Tường, được triển khai ở các xã Yên Lập, Tân Tiến và Lũng Hòa của huyện Vĩnh Tường do Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (Công ty bất động sản Thăng Long) làm chủ đầu tư. Tổng diện tích phải bồi thường GPMB khi thực hiện dự án hơn 154 ha, trong đó, phần đô thị có diện tích gần 93 ha; phần chợ, kho vận có diện tích 61 ha.
|
Cơ bản trong tổng 154ha diện tích dự kiến thu hồi là đất trồng lúa của nhân dân huyện Vĩnh Tường. Ngoài ra, xen kẽ diện tích đất khác là rất nhỏ. |
Đáng chú ý, 110 ha đất lúa trong tổng diện tích dự án vừa mới được Thủ tướng sang đất phi nông nghiệp, thế nhưng, từ năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã ra hàng loạt quyết định, thông báo thu hồi đất, quyết định giao đất cho nhà đầu tư. Điều này, đi ngược lại với quy định của Luật Đất đai: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên”.
Theo đơn giá bồi thường GPMB, người dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi mức bồi thường bình quân là 83,6 triệu đồng/sào (360m2). Ngoài ra, hộ gia đình cá nhân có đất nông nghiệp 95% nằm trong phạm vi xây dựng dự án ngoài tiền bồi thường GPMB theo quy định, chủ đầu tư hỗ trợ từ 6,4 triệu đến 16,4 triệu đồng. Theo đó, mức bồi thường cao nhất khoảng 100 triệu đồng/sào (trung bình dưới 300 nghìn/ m2).
|
Hàng trăm hộ dân phải "nhường" đất cho việc thực hiện dự án. |
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Vĩnh Tường báo cáo tại thời điểm tháng 5.2018, diện tích đã chi trả hỗ trợ bồi thường là mới đạt gần 84 ha, số tiền đã chi trả là hơn 200 tỉ đồng. Có 40 hộ của 03 xã chưa nhận tiền bồi thường GPMB vì một số hộ không đồng ý với đơn giá bồi thường; một số hộ đang tranh chấp đất đai…
Thế nhưng, thông tin trong buổi làm việc của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lê Minh Thịnh với các Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án trọng điểm của huyện ngày 2.8 vừa qua, tổng diện tích đã chi trả bồi thường GPMB dự án này chỉ tăng rất ít (từ 84ha lên gần 89ha).
Được biết, huyện Vĩnh Tường là huyện đồng bằng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu và người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên khi có chủ trương thực hiện dự án người dân không khỏi lo lắng. "Công bằng mà nói, dự án hoàn thành sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Thế nhưng có phải toàn bộ người dân bị thu hồi đất được vào khu chợ buôn bán và hưởng lợi từ dự án đâu. Dân chúng tôi có mấy sào ruộng để canh tác sắp tới bị thu hồi hết, chúng tôi chưa biết sẽ làm gì để sống. Số tiền đền bù ít ỏi cũng chẳng đủ vốn liếng để buôn bán hay chuyển nghề khác”, một người dân xã nằm trong diện thu hồi đất thực hiện dự án hoang mang.
Đất được giao 48 năm vẫn có giá trên trời
Ngày 1.6.2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1217/QĐ-UBND quyết định giao đất đợt 1 cho Công ty bất động sản Thăng Long thực hiện dự án KĐT Thương mại Vĩnh Tường (thuộc Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT Vĩnh Tường). Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Minh Giang ký không nêu căn cứ nào về việc chuyển đổi 110ha đất trồng lúa của Thủ tướng.
Theo quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao hơn 12ha đất đã GPMB tại 2 xã Lũng Hòa và Tân Tiến cho Công ty bất động sản Thăng Long. Trong đó có quy định rõ diện tích và mục đích sử dụng đất: 5,4 ha đất ở; 0,68 ha là đất cây xanh; 5 ha đất giao thông; 1 ha đất xây dựng cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ thời hạn cho thuê và hình thức giao đất cho thuê đối với từng loại hình đất được giao theo mục đích sử dụng trên. Trong đó, đối với đất nhà ở (đất xây dựng nhà phân lô và đất xây dựng nhà phố thương mại) và đất xây dựng cơ sở giáo dục thì thời hạn cho thuê là đến 30.6.2066 (48 năm) với hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và trả tiền hàng năm; 2 loại đất sử dụng mục đích cây xanh và giao thông được sử dụng lâu dài và không thu tiền sử dụng đất.
|
Toàn bộ diện tích nhà ở phân lô và nhà phố thương mại trong dự án KĐT Thương mại Vĩnh Tường có thời hạn cho thuê tới năm 2066. |
Như vậy, tính từ thời điểm có quyết định giao đất, đối với những lô đất phố thương mại, chủ đầu tư được giao và thuê chỉ là 48 năm. Thế nhưng, theo điều tra của PV Dân Việt, từ tháng 9.2017, chủ đầu tư đã mở bán một số lô ở vị trí này với giá 8 – 9 tỷ đồng/lô 100 m2 có mặt tiền rộng 5m, dài 20m. Và để lách luật, các nhân viên kinh doanh công ty tư vấn, do dự án chưa đủ thủ tục nên khách hàng khi mua sẽ ký hợp đồng góp vốn, và vào tiền 55% tổng giá trị hợp đồng, sau khi thủ tục dự án hoàn tất sẽ ký lại hợp đồng mua bán.
vinh phuc: dat thue 48 nam, “sang tay” dn co gia 100 trieu dong/m2? hinh anh 4
Theo nhiều hộ dân kinh doanh gần dự án cho biết, mỗi lô đất 80-100m2 tại đây phải có giá từ 8-10 tỉ đồng.
Hiện tại, theo ghi nhận của PV Dân Việt, trên phần diện tích trong dự án dọc tuyến đường Nguyễn Thái Học (tỉnh lộ 304) đã có ngôi nhà 3 xây dựng kiên cố đang có người dân sinh sống, kinh doanh. Đặc biệt, trong khi hàng loạt các cơ quan quản lý đang vào cuộc thanh tra thì hoạt động xây dựng tại dự án vẫn diễn ra.
Theo chia sẻ của nhiều người dân ở gần dự án cho biết, tất cả các lô đất trên mặt đường Nguyễn Thái Học thuộc đất dự án gần như đã có chủ. Giá đất tại đây giao động từ 8-12 tỉ đồng một lô đất 80 đến 100m2. Hiện tại, giờ muốn mua, thì phải mua của người khác. Tuy nhiên, người dân cũng thừa nhận không biết đây là đất được nhà nước cho thuê có thời hạn 48 năm.
Dự án nghìn tỷ giao cho công ty mới thành lập 5 ngày
Ngày 22.10.2009, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp và đồng ý về chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long (Công ty Sông Hồng Thăng Long) triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại tại huyện Vĩnh Tường.Thế nhưng, sau nhiều năm Công ty Sông Hồng Thăng Long không thể triển khai được dự án.
Trước tình trạng dự án nhiều năm không được triển khai, ngày 26.5.2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện dự án nêu trên.
Bất ngờ, 3 ngày sau khi nhận được đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (Công ty bất động sản Thăng Long) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với dự án nêu trên. Theo đó, công ty này chịu trách nhiệm tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tiến độ.
Đáng chú ý là Công ty bất động sản Thăng Long mới chỉ thành lập vào ngày 24.5.2017 với vốn điều lệ 3 tỉ đồng. Thời gian công ty này bắt đầu hoạt động chỉ trước thời điểm kế thừa dự án 5 ngày.
Sau hàng loạt việc thay đổi cổ đông, đến ngày 17.7.2017, ông Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1981 đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn vào ngày 12.10.2017 trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này.
Theo Trần Kháng/Dân Việt