Trong buổi họp báo diễn ra tại UBND TP.HCM giữa tuần, đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết theo thống kê, hiện nay còn 7 chung cư đã có người dân vào ở nhưng chưa đảm bảo PCCC. Công an đã tiến hành xử lý vi phạm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động của chung cư nhưng chưa đâu vào đâu.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp danh sách 7 chung cư này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố, cho biết danh sách thì đã có, nhưng không thể "có cái gì đưa cái đấy, mà chưa trù bị, chưa đưa giải pháp, thì sẽ bất lợi cho tình hình chung của thành phố".
Vì sao chưa công bố?
Nói về việc chưa cung cấp danh sách các chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã có người dân sinh sống, đại biểu HĐND thành phố, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM đặt câu hỏi: Vì sao chưa công bố?
|
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM. Ảnh: Phước Tuần. |
Ông nhận định đây là việc hệ trọng, cộng đồng người dân đang ăn, ở tại các chung cư phải được biết những thông tin này một cách công khai, minh bạch. "Đây cũng là hai tiêu chí thành phố đang hướng tới trong năm 2018", ông Thắng cho biết.
"Không thể làm những việc này với tính chất một chiều: Muốn cho dân biết thì dân được biết, muốn im lặng thì im lặng. Tại sao lại dễ dãi, không thể hiện quan điểm như vậy? Còn nếu nói chờ, phải cho dân một cái mốc thời gian. Người dân có quyền đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình", Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM thẳng thắn.
Ông nói thêm, việc làm rõ danh sách 7 chung cư này bên cạnh việc công khai cho người dân, còn tránh những rủi ro, tai nạn đáng tiếc tương tự thảm họa tại chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) vài ngày trước, khi mà tòa nhà này không đủ điều kiện PCCC nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Người dân hào hứng, thân thiết với ngôi nhà của mình; đặt niềm tin vào quy trình nghiệm thu, kiểm định của các cơ quan thẩm định; đồng thời tin tưởng vào quy định an toàn của Nhà nước có quyền được sống trong những tòa nhà có đủ chức năng cứu hộ, cứu nạn, PCCC. Và đơn giản nhất, là được ngủ yên trên giường mỗi đêm mà không sợ chết cháy - vị đại biểu HĐND thành phố nói.
Chưa công bố vì sợ ảnh hưởng tâm lý người dân?
Trả lời thắc mắc này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố cho biết việc công bố chung cư an toàn hay không an toàn đã có chỉ thị.
"Hôm nay mà vội vàng nói nơi nào đó mà chúng ta cho rằng không an toàn hoặc kém an toàn, có thể mặt tích cực chưa thấy, nhưng mặt tiêu cực là ảnh hưởng tới tâm lý của người dân. Tuy nhiên, chủ trương của thành phố vẫn là chung cư nào, chủ đầu tư nào, dự án nào... không an toàn, phải công bố công khai. Việc này để người dân được lựa chọn nơi người ta sẽ đến", ông Hoan nói.
|
Trước vụ cháy, chung cư Carina đã được kiểm tra PCCC. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Hoan kêu gọi người dân thông cảm và khẳng định danh sách 7 chung cư này sẽ có cách công khai và công khai trên khắp các phương tiện truyền thông.
Tiếp đó, trong Hội nghị triển khai chỉ thị về các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, cho hay trong số các chung cư trên địa bàn thành phố có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975.
Trong đó có tới... 12 chung cư mới xây đã cho dân vào ở nhưng chưa có nghiệm thu PCCC, chứ không phải 7 như công bố trước đó.
Phóng viên mang câu hỏi này tới hỏi Công an TP.HCM thì được cho biết rằng: Sẽ công bố, nhưng phải có quá trình.
Tương tự, đại diện UBND thành phố cũng có câu trả lời: Sẽ công khai, nhưng chưa phải bây giờ.
Theo báo cáo Thực trạng và Giải pháp an toàn PCCC đối với nhà chung cư trên địa bàn thành phố, trong số các dự án, công trình nhà ở chưa được kiểm tra nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho người dân vào ở thì có nơi đã xảy ra cháy.
Dù vụ cháy chưa gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản nhưng gây tâm lý hoang mang trong dư luận về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà chung cư cao tầng.
Qua kiểm tra thực tế, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC của công trình vẫn trong giai đoạn thi công, chưa thể vận hành; lực lượng tại chỗ chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ. Việc đưa dân vào ở là hết sức nguy hiểm, có thể gây hậu quả về người và tài sản nhưng việc tạm đình chỉ hoạt động của công trình cũng rất khó khăn, do ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều cư dân.
|
Tại chung cư ở 26 Lý Tự Trọng, quận 1, đồ đạc để chật kín, choán gần hết lối thoát hiểm. Ảnh: Liêu Lãm. |
Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM vào đầu năm 2018, toàn TP.HCM có 474 chung cư cũ, được xây dựng trước năm 1975 nằm ở 15 quận với 27.000 hộ dân sinh sống. Trong đó, quận 5 chiếm số lượng nhiều nhất với 203 chung cư.
Đặc biệt, có 16 chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm, đã được kiểm định cấp D, cần cải tạo lại. Những chung cư này nằm ở quận 1, 4, 5, 6 và Tân Bình với tổng số gần 1.500 căn hộ.
Theo kế hoạch năm 2018, Sở Xây dựng sẽ làm thủ tục lựa chọn chủ đầu tư cho 16 chung cư cũ đang trong tình trạng bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ đổ, sập bất cứ lúc nào...
Theo Ngân Giang/Zing