Trên thị trường BĐS, suất ngoại giao xuất hiện nhan nhản và đang được nhân viên môi giới bất động sản sử dụng như “mồi nhử” để “câu” khách. Nắm được tâm lý của khách hàng thường thích những suất ngoại giao không chỉ vì giá “mềm” mà còn có vị trí đặc địa, số lượng lại hạn chế, môi giới đã “bẫy” người mua nhà bằng cách mời mua suất ngoại giao có mức chiết khấu 2-5%, thậm chí tới 7%. Nhưng việc khách hàng có thực sự mua được những suất ngoại giao giá rẻ hay không thì lại là chuyện khác.
|
Giá chênh, suất ngoại giao... là những câu chuyện không mới nhưng vẫn thường được dân môi giới BĐS sử dụng với nhiều chiêu thức khác nhau để "câu" khách hàng. |
Khảo sát thử một dự án lớn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) hiện chưa xong móng, tức là chưa đủ điều kiện mở bán. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin chào bán suất ngoại giao với những mức giá khác nhau, từ 33-34,5 triệu đồng/m2, thậm chí có tin rao bán còn khẳng định rẻ hơn giá thị trường tới 1 triệu đồng/m2.
Ngược lại, cũng có những dự án được chào bán suất ngoại giao có mức giá cao hơn cả giá thị trường, đó là chiêu trò mới xuất hiện trên thị trường BĐS của chủ đầu tư để dễ bề đẩy giá bán căn hộ lên cao hơn mà vẫn thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, một chiêu thức khá phổ biến đang được một số chủ đầu tư dự án sử dụng nữa là mở bán nhiều đợt với số lượng sản phẩm khác nhau và trong những đợt mở bán sau sẽ tăng giá dần. Theo đó, lần mở bán đầu tiên bao giờ cũng là lần “rắc thính” nhằm thu hút khách hàng bằng số lượng sản phẩm ít ỏi kèm theo mức giá tương đối hấp dẫn, có thể là giá rẻ nhất trong các đợt mở bán của chủ đầu tư.
Những lần mở bán sau sẽ có mức giá bán cao hơn so với các lần mở bán trước khiến người mua nhà đang có ý định đầu tư sẽ cảm thấy sốt ruột, nghĩ rằng dự án hấp dẫn khách hàng và đã bán hết số lượng căn hộ mở bán trước nên mới tăng giá.
Mặc dù không mới nhưng câu chuyện “giá chênh” xuất hiện trên thị trường BĐS trong thời gian gần đây không còn là lạ khi khách hàng nắm bắt được chiến thuật “bắt tay” giữa các sàn giao dịch và các chủ đầu tư BĐS.
Cụ thể, chủ đầu tư thường giao sản phẩm độc quyền cho một vài sàn giao dịch BĐS và những đơn vị này có chức năng chính là làm môi giới kèm theo ít thủ thuật, tạo ra sự khan hiếm hàng ảo, khiến khách hàng khó có thể tiếp cận được sự án. Còn phía chủ đầu tư dự án, tuy còn sản phẩm nhưng nếu khách hàng hỏi sẽ trả lời là hết hàng. Một mặt cũng nhằm tạo ra khan hiếm giả, còn mặt khác để tiếp tay cho các sàn “đẩy” giá lên. Điều đó sẽ khiến cho khách hàng không biết được đâu là giá bán thật của căn hộ.
Ngoài ra, môi giới còn liên tục gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng có nhu cầu và đã tìm hiểu về mức giá chênh của từng căn hộ tại dự án tăng theo ngày. Môi giới thường dùng những lời thuyết phục hấp dẫn như: Dự án mới bắt đầu xây dựng mới có giá chênh thấp nhưng chỉ để thêm 1 tháng nữa, dự án càng triển khai thêm nhiều hạng mục thì mức giá chênh càng cao hơn nên anh, chị cần cân nhắc mua ngay. Nếu trong quá trình mua căn hộ, không đủ khả năng thanh toán thì anh, chị có thể bán lại, lúc đó giá chênh đã lên cao gấp đôi, thậm chí còn hơn, lãi thu về như vậy bằng nhiều lần gửi tiết kiệm tại ngân hàng…
Các chuyên gia nhận định, hiện tượng một số dự án vừa tung ra thị trường nhưng chỉ trong vòng vài ngày tới 1 tháng, chủ đầu tư đã thông báo bán hết sản phẩm, còn khách hàng muốn mua phải mua lại thông qua môi giới với giá bán chênh lệch… là có sự “bắt tay” giữa chủ đầu tư và dân môi giới.
Theo Giám đốc điều hành CBRE Richard Leech, trên thị trường hiện nay, số lượng các sàn môi giới cũng như nhân viên của họ đã tăng lên rất nhiều. Vì thế, giữa các sàn thường xuất hiện sự cạnh tranh nhau khốc liệt, các nhân viên tăng tần suất nhắn tin, gọi điện bằng điện thoại, facebook quảng cáo các dự án tới khách hàng. Vì thế, những chủ đầu tư lớn hiện nay cũng cần phải có quy trình, quy chế nhằm kiểm soát chặt chẽ hệ thống đại lý bán hàng nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và uy tín của chủ đầu tư dự án.
Theo Infonet