Trại nuôi heo cũng được Alibaba biến thành khu đô thị

Google News

Đất nông nghiệp được vẽ thành các dự án, và cả trại nuôi heo ở Long Thành, Đồng Nai, cũng biến thành khu đô thị của Địa ốc Alibaba.

 Khu đất được quảng cáo là "dự án Alibaba Tân Thành" (xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn đang là đất nông nghiệp - Ảnh: Xuân Hưng.
Nhiều "dự án" khu đô thị hoành tráng, với lời chào mời hấp dẫn được đưa lên trang web của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thực chất là những khu đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi thành đất ở cũng chưa được phép phân lô bán nền.
Theo các chuyên gia, khách hàng đổ tiền vào mua sản phẩm của những "dự án" do doanh nghiệp tự vẽ này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Vẽ" đất nông nghiệp thành dự án
Ngày 26-11, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba công bố mở bán "dự án" Alibaba Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo thông tin trên website của doanh nghiệp này, "dự án" có quy mô 13ha với 860 nền, giai đoạn 1 mở bán 4,1ha với 254 nền.
Tình trạng pháp lý sổ đỏ thổ cư từng nền. Ngày 27-11, doanh nghiệp này phát đi thông báo "hỗ trợ nhân viên và người thân của nhân viên", trong đó tặng thêm 1% trên tổng giá trị hợp đồng khi thanh toán đợt 1 và được đính kèm hợp đồng thu lại lợi nhuận 18% trên 6 tháng. Ưu đãi kéo dài đến chiều 30-11.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đây là khu đất nông nghiệp, xung quanh cây cối còn um tùm.
Đại diện UBND xã Châu Pha, huyện Tân Thành thừa nhận đã có một trường hợp nhận chuyển nhượng khu đất từng là trang trại nuôi heo nhưng vẫn còn để trống, nên chưa thể khẳng định khu đất sẽ được dùng vào mục đích gì.
"Nếu chủ đất bắt tay vào san lấp mặt bằng, làm đường hay xây dựng..., chúng tôi sẽ yêu cầu phải có đủ các loại giấy tờ, thủ tục mới được triển khai", vị này nói.
Một lãnh đạo UBND huyện Tân Thành cũng khẳng định đây là khu đất nông nghiệp, nếu muốn làm tách thửa và phân lô bán nền, chủ đất phải được huyện đồng ý về mặt chủ trương, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Chúng tôi sẽ cử cán bộ tăng cường giám sát, kiểm tra" - vị này nói. Một lãnh đạo Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết đã cử cán bộ đến huyện Tân Thành để nắm thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng này.
 Khu đất được Công ty CP địa ốc Alibaba quảng cáo là "Dự án Alibaba Tân Thành" (xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn đang là đất nông nghiệp - Ảnh: Xuân Hưng.
Nhiều rủi ro
Ngoài dự án trên, theo website "diaocalibaba.vn", doanh nghiệp này cho biết đã triển khai 15 "dự án" tại huyện Long Thành (Đồng Nai), gồm 14 "dự án" mang tên khu đô thị Long Phước và dự án khu đô thị An Phước.
Nhưng thực tế, những "dự án" này cũng chỉ là những khu đất do một số cá nhân trong công ty này đứng ra nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, rồi làm thủ tục xin tách thửa, phân lô.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mua đất ở những "dự án" này, khách hàng sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Giám đốc một công ty bất động sản cho biết muốn tách thửa, phân lô bán phải được UBND huyện (nơi có khu đất) chấp thuận cho chủ đất đấu nối hạ tầng cơ sở.
Sau khi hạ tầng đấu nối được nghiệm thu và bàn giao lại cho huyện, chủ đất mới chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở nông thôn trước khi tách thửa, phân lô.
Tuy nhiên, khách hàng chắc chắn gặp rủi ro nếu khu đất này không được chuyển sang đất ở nông thôn vì lý do quy hoạch. "UBND tỉnh Đồng Nai đang tạm ngưng việc tách thửa, phân lô trên địa bàn là một ví dụ" - vị này nói.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho biết theo Luật Đất đai, đất nông nghiệp muốn được chuyển thành đất ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được cơ quan thẩm quyền xét duyệt.
Do đó, trước khi chuyển nhượng cho người mua với mục đích làm nhà ở, chủ đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh khả năng khu đất không được chuyển đổi mục đích sang đất ở.
"Nếu hợp đồng chuyển nhượng không có điều khoản ràng buộc trách nhiệm bồi thường về chi phí cơ hội, lãi suất, tiền sử dụng đất... khách hàng sẽ gặp rủi ro và có thể dẫn đến tranh chấp sau này", ông Tú nói.
Nhiều khách đầu tư không cần lấy đất?
Theo bà Phan Kim, Phó tổng giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, những khu đất nhận chuyển nhượng của người dân có thể là đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp.
Khi ký hợp đồng chuyển nhượng với khách, doanh nghiệp cam kết sẽ giao sổ riêng từng thửa đất cho khách hàng trong vòng 6-12 tháng.
"Khách yêu cầu tách (thửa đất) thì mình tách, tại vì có nhiều khách đầu tư mà không cần tách, không lấy đất"(!?) - bà Kim cho hay.

Địa ốc Alibaba có dấu hiệu vi phạm hình sự
Việc Công ty CP địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư dự án để huy động vốn của khách hàng là không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm hình sự. Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ UBND TP.HCM chiều 30-11, đồng thời cho biết cơ quan điều tra đang vào cuộc làm việc với doanh nghiệp này.
Theo ông Tuấn, Alibaba đã tự nhận là chủ đầu tư để thu tiền giữ chỗ của khách hàng khi chưa được chấp thuận chủ đầu tư là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.
Công ty này cũng không cung cấp hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác theo Luật Đất đai, không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, do Alibaba không hợp tác, không cung cấp hồ sơ và không tham gia bất kỳ buổi làm việc nào của Sở Xây dựng, ông Tuấn kiến nghị thành phố giao sở tiếp tục phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vào cuộc để có hướng xử lý đối với Công ty CP địa ốc Alibaba.
Mai Hoa - Tiến Long

Theo Tiến Long - Đông Hà/Tuổi Trẻ