Thời gian qua, thông tin Hà Nội sẽ phá 2 biệt thự cũ cạnh Hồ Gươm để xây khách sạn siêu sang đang khiến dư đặc biệt quan tâm, bởi vị trí xây dựng khu khách sạn nằm ngay Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm – một biểu tượng của dân tộc Việt Nam với sự hội tụ các giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, lại ở vị trí đẹp nhất của Hà Nội, có giá trị tới cả tỷ đồng một mét vuông.
Theo đó, khu đất dự kiến xây dựng tổ hợp khách sạn và dịch vụ có diện tích hơn 2.871m2 nằm sát Hồ Gươm do Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam (thuộc Tập đoàn BRG) đang quản lý được Sở TN&MT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BD 985958 vào ngày 8/3/2011.
Khu đất xây dựng dự án khách sạn 6 sao giáp Hồ Gươm này là đất có thời hạn 50 năm (đến năm 2043), có mặt tiền dài nhất của tuyến phố Lê Thái Tổ, bởi hiện tuyến phố này được đánh theo số chẵn từ số 2 đến số 48 thì khu đất này đã bao gồm từ số 22,24,26,28,30,32.
|
Dự án khách sạn 6 sao giáp Hồ Gươm từng gây tranh cãi đã động thổ từ hồi tháng 1/2017. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng. |
Cũng theo thông tin tìm hiểu, dự án tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại 22-32 Lê Thái Tổ được chủ đầu tư đệ trình mang tên Oriental Luxury với quy mô các công trình phía trong cao 6 tầng và tầng áp mái (tương đương 24m); công trình phía ngoài cao khoảng 16m và có 5 tầng hầm.
Ngày 17/1/2017, dự án khách sạn 6 sao nằm trên khu đất vàng nhìn thẳng ra Hồ Gươm (trước đây là siêu thị Intimex trên phố Lê Thái Tổ, Hà Nội) đã được khởi công xây dựng. Theo BRG, dự án khách sạn 6 sao với quy mô khoảng 100 phòng hạng sang này khi đi vào hoạt động và là cơ sở lưu trú đầu tiên mang thương hiệu Four Seasons tại Thủ đô.
Tuy nhiên, việc xây dựng công trình tổ hợp khách sạn và dịch vụ cao cấp ở số 22-32 Lê Thái Tổ ngay sát di sản quốc gia đặc biệt Hồ Gươm trước đó đã gây ra nhiều tranh cãi.
Cụ thể, ngày 8/3/2016, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn đã có văn bản gửi ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội góp ý về kiến trúc của dự án.
Theo Hội KTS Việt Nam chuẩn bị triển khai xây dựng tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Công ty CP Intimex Việt Nam đang căng panô mặt đứng công trình mới theo kiểu kiến trúc Pháp để thông báo với cộng đồng xã hội.
Nhận thấy hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt, Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên và chuyên gia. Sau khi nghiên cứu và tổng hợp các ý kiến góp ý về kiến trúc công trình tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ, Hội có những ý kiến. Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam cho rằng, công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp.
Phát biểu trong phiên họp ngày 2/8/2016, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khu vực hồ Gươm là di tích lịch sử quốc gia, rất nhạy cảm. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố và các sở ngành chức năng làm rõ căn cứ nào để xây dựng công trình khách sạn tại siêu thị Intimex.
“Chúng ta đừng để bỏ rất nhiều tiền để phá những cái đã xây dựng, rồi lại mất rất nhiều tiền để xây dựng lại những thứ đã phá”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói.
Phản hồi chất vấn này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, thành phố đã lập quy hoạch phân khu hồ Gươm theo hướng bảo tồn. Trong quá trình triển khai, Hà Nội đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia uy tín. Đồng thời xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Hiện quy hoạch đã hoàn thành và báo cáo UBND thành phố.
“Đối với dự án xây dựng khách sạn của Intimex trên phố Lê Thái Tổ, hiện dự án này chưa được thành phố phê duyệt, đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bởi đây là khu vực đặc biệt nhạy cảm, cấp quốc gia nên đang trong giai đoạn xin ý kiến”, ông Vinh khẳng định.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo chí, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nếu quan điểm, khi xây dựng công trình này cần phải lưu ý và giải quyết hai vấn đề:
“Mặt đứng phía ngoài của công trình tạo nên một thể thống nhất, đơn điệu, nên bức tường dù bằng chất liệu gì cũng không tốt. Vì vậy cần phải chia nhỏ ra để mặt đứng công trình hài hòa với kiến trúc xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (xung quanh khu vực dự định xây khách sạn đều là một số công trình kiến trúc nhỏ).
Trong tương lai lâu dài, các tuyến phố xung quanh hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ, nên cần phải quan tâm đến vấn đề giao thông. Nếu khi hồ Gươm trở thành phố đi bộ thì xe ra vào khách sạn như thế nào?
Bởi có khách sạn thì phải có nơi đỗ xe, mật độ giao thông quanh khu vực đó cũng nhiều hơn. Vì vậy cần phải tính toán làm sao để khu vực khách sạn đó không trở thành nút thắt về giao thông.
Đó là bài toán về lâu dài cần phải tính toán và giải quyết thấu đáo. Việc xây dựng công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh hồ Gươm không chỉ tính toán cho hiện tại mà còn phải cho tương lai nữa”.
Trong khi đó, tại một diễn biến khác, ngày 20/10/2016, HĐND TP đã có văn bản gửi UBND TP về việc đưa công trình tại nhà số 30, 32 phố Lê Thái Tổ ra khỏi danh mục biệt thự. Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QH-KT) đã có báo cáo về dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại khu đất số 22-32 phố Lê Thái Tổ.
Về việc này, UBND TP chấp thuận về nguyên tắc với nội dung của báo cáo, đề xuất nêu trên, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh phương án quy hoạch, kiến trúc, lấy ý kiến các tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia quy hoạch kiến trúc, thông tin rộng rãi để nhân dân và các nhà khoa học được biết, góp ý; thực hiện đúng các chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, HĐND TP và các quy định hiện hành.
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở QH-KT và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xác định đầy đủ, chính xác các nhà biệt thự thuộc và không thuộc đối tượng quản lý theo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, báo cáo UBND TP để báo cáo HĐND TP điều chỉnh nghị quyết tại kỳ họp cuối năm 2016.
Ngày 30/6/2017, tại cuộc họp báo trước Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Hà Nội khoá XV, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, cho hay, khu vực xây dự án khách sạn cạnh Hồ Gươm không phải là nhà biệt thự mà thuộc diện Công trình kiến trúc khác cần được bảo tồn. Việc xây dựng khách sạn này liên quan đến thiết kế cảnh quan kiến trúc khu vực hồ Gươm, là một loại kiến trúc đặc biệt nên xây như thế nào, kiến trúc ra sao phải được Thủ tướng phê duyệt.