Như báo Đời sống & pháp luật đã đăng tải, tòa nhà LOD ở 36 Trần Thái Tông vừa bị thanh tra Bộ Xây dựng lên kế hoạch Thanh tra toàn diện để làm rõ các nội dung mà người dân và báo chí phản ánh về các sai phạm trong quá trình sửa chữa của chủ đầu tư dự án này.
Phản ánh về tòa nhà LOD xây dựng làm ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, bà Nguyễn Thị Hiền (cư dân tòa D11 Trần Thái Tông) cho biết, do căn hộ nhà mình ở tầng thấp nên khi chủ đầu tư phá dỡ, sửa chữa thì dù đóng hết cửa nhưng bụi bẩn vẫn phủ đầy nhà. Chưa kể các tiếng ồn do máy móc đào bới, san ủi thâu đêm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ cả mấy tháng liền nên gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
|
Tầng hầm trở thành vũng nước đọng làm cư dân e ngại bùng phát dịch bệnh. |
Bà Và (64 tuổi), cũng là cư dân tòa nhà D11 cho hay “Dù ở tầng thấp nhưng trước đây nhà tôi không hề có muỗi. Từ khi tòa bên cạnh tháo dỡ thì qua các đợt mưa xuất hiện các hố nước phía tầng hầm bên ấy trở thành nơi sản sinh rất nhiều muỗi ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân chúng tôi” . Bà Và lo lắng xảy ra dịch bệnh khi giai đoạn này vẫn đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội.
Tháng 6/2015 ông Nguyễn Trọng Hiền đại diện cư dân đã gửi thư yêu cầu chấm dứt các hoạt động nằm giữa ranh giới 2 tòa nhà tới Công ty TNHH Tập đoàn Phúc Lộc là chủ đầu tư công trình. Trong thư nêu rõ nghi vấn của cư dân rằng Công ty chưa hoàn thành các thủ tục xin cấp phép phá dỡ, cải tạo và nâng tầng nhưng Công ty vẫn phá dỡ, ép cọc ở phần ranh giới ảnh hưởng trực tiếp đến móng tòa nhà D11.
Ngoài ra, cư dân tòa nhà D11 cũng gửi đơn đến Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở xây dựng nhằm ngăn chặn việc hợp thức hóa, thay đổi mật độ xây dựng trên lô đất mà Công ty TNHH Tập đoàn Phúc Lộc nhận chuyển nhượng.
Tòa nhà LOD và D11 có khối nhà nối giữa 2 tầng. Sau khi chuyển nhượng, đoạn này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tập đoàn Phúc Lộc.
Người dân cho biết thêm, nếu tòa nhà LOD được cấp phép nâng khối nhà nối giữa từ 2 tầng lên 6 tầng với khoảng cách giữa 2 tòa nhà này chỉ 5 m thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của cư dân cũng như đảm bảo các yếu tố sinh hoạt cơ bản. Điều này cũng có nghĩa là phần ban công và cửa sổ của nhiều căn hộ trở nên vô dụng.
Khi chúng tôi liên hệ Ban quản lý tòa nhà D11 thì được một người trả lời rằng, họ chỉ có trách nhiệm trong khuôn viên tòa nhà cũng như phần sở hữu chung của chung cư. Còn với các phần thuộc sở hữu của người khác, việc can thiệp vào rất hạn chế. Công trình sửa chữa tòa LOD đã có khi làm vỡ cống hay một số ảnh hưởng trực tiếp thì ban quản lý phản ánh và đã được sửa chữa ngay sau đó. Về phần tiếng ồn và bụi bẩn, người dân ở đây cũng phản ánh rất nhiều tới họ.
Phóng viên báo ĐSPL đã liên hệ làm việc với UBND phường Dịch Vọng Hậu, nơi dự án được xây dựng nhưng chưa nhận được phản hồi. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin về vụ việc...
Theo Đời sống Pháp luật