Tòa nhà 8B Lê Trực lấn chiếm không gian Lăng Bác đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận thời gian qua. Mới đây, theo kết luận của UBND thành phố Hà Nội, hồ sơ cấp phép của dự án xây dựng tòa nhà này có đầy đủ thành phần theo quy định. Phương án thiết kế cấp Giấy phép xây dựng phù hợp với Bản vẽ tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận kèm theo công văn số 3546 ngày 24/10/2013. Trình tự thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng cho công trình tòa nhà số 8B Lê Trực không sai quy định, quy hoạch. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý xây công trình sai với phương án được duyệt.
Cụ thể, báo cáo cho biết, chủ đầu tư đã xây xong phần thô công trình cao tầng; công trình thấp tầng chưa triển khai. Phần cao tầng đã sai với giấy phép xây dựng.
|
Tòa nhà 8B Lê Trực đã xây cao vượt giấy phép 16m. |
Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng).
Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
“Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực”, thành phố Hà Nội báo cáo.
Vậy, với vi phạm xây cao vượt giấy phép trên, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt như thế nào và tòa nhà này sẽ được xử lý ra sao?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty Luật Lincon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay, việc làm trên của chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xây dựng. Điều 12 Luật xây dựng 2014 chỉ rõ, hành vi xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra, việc xây dựng công trình phải bảo đảm đúng thiết kế, bảo vệ cảnh quan, bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định tại Điều 4 Luật xây dựng.
Về xử lý vi phạm, Luật sư Quân cho biết, đối với các sai phạm của chủ đầu tư công trình tòa nhà số 8B Lê Trực, theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý như sau:
1. Theo điểm c, khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính Phủ (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở) và hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới và phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ bị xử phạt 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, thì mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong Nghị quyết bằng 02 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 121/2013/NĐ-CP (Điều 2). Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị quyết 07/2014/NQ-HĐND)
2. Ngoài mức phạt tiền nêu trên, chủ đầu tư còn bị xử lý theo quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng), cụ thể, đối với công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp, sẽ bị:
- Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng.
- Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời bị áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;
- Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Minh Hiếu