Buổi chiều nhập nhoạng, giờ tan tầm, xe cộ như mắc cửi. Dì Liên có dáng người nhỏ thó, đang lúi húi dọn tủ thuốc lá, chuẩn bị đẩy qua đường gửi trước khi kết thúc một ngày mưu sinh.
Chỉ tay vào ngôi biệt thự cổ 35 triệu đô vừa mới sang tên, đổi chủ (số 112 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM), dì chép miệng buồn: “Trước đây, mỗi buổi tối tui vẫn đẩy tủ thuốc vào sân ngôi biệt thự cổ này gửi. Bà chủ cũ tốt bụng lắm. Giờ đổi chủ mới, họ không cho tui gửi tủ nữa”.
Quê ở Tân Châu, Hồng Ngự, từ thời con gái, dì Liên đã bôn ba lên Sài Gòn kiếm sống. Lục lọi ký ức, dì Liên hồi tưởng: “Trước giải phóng tui theo má lên đây sống bằng nghề rửa chén cho mấy bà bán hàng ăn ở chợ Đũi. Quần quật như trâu, ngựa nhưng cuộc sống bấp bênh lắm”.
“Thế hệ của chú không biết chợ Đũi đâu, chỉ nghe trên sách vở thôi. Nó biến mất theo thời gian từ lâu lắm rồi”, dì Liên cười, cho biết thêm.
|
Cận cảnh ngôi biệt thự triệu đô. |
Khi tìm đến đây làm chỗ dừng chân, sau những năm tháng đằng đẵng tha phương cầu thực, dì được bà chủ ngôi biệt thự cổ tạo điều kiện, giúp đỡ buôn bán.
Những buổi tối, trước khi về nhà với chồng con, dì Liên được bà chủ ngôi biệt thự cho gửi tủ thuốc, bàn ghế, những vật dụng linh tinh vào sân ngôi biệt thự…
Giữa tiếng ồn ào, náo nhiệt của xe cộ giờ tan tầm, dì Liên co ro tựa lưng vào hàng rào sắt của ngôi biệt thự cổ, nhẩm tính thời gian mình đã gắn bó ở đây: “Tui bắt đầu bán nước, thuốc lá trước vỉa hè ngôi biệt thự này từ năm 1981. Đã trên 30 năm rồi đó, từ cái thời người ta pha cà phê bằng vợt, chứ không pha phin như bây giờ”.
Dì Liên nói tiếp: “Tui không biết rõ bà chủ ngôi biệt thự tên gì, thấy bà lớn tuổi nên tụi tui quen miệng gọi bằng ngoại. Nghe đâu ngoại tuổi Tý (theo một số nguồn tin, 15 năm về trước, chủ sở hữu trên giấy tờ là cụ Nguyễn Kim S.D và cụ Đặng K.C).
Ngoại đẹp lắm, tóc bạc trắng, da hồng hào. Tuy giàu có nhưng sống đức độ, khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo. Ngoại đối xử với người ăn, kẻ ở trong nhà rất tốt. Tui buôn bán ở đây, nhiều khi ế ẩm, ngoại cũng hay cho tiền xài. Ở phía trong sân ngôi biệt thự có cây xoài, tui thường vào đó hái trái nhưng không bao giờ bị ngoại la rầy. Bây giờ con cháu được hưởng đức của ngoại đó.
Ngoại mất khoảng giữa năm 1990, đám tang lớn lắm…”.
|
Dì Liên bán thuốc lá kiếm sống trước ngôi biệt thự này đã hơn 30 năm nay. |
Theo lời dì Liên, người chủ cũ của ngôi biệt thự triệu đô có 2 người con trai và 6 người con gái. Tất cả những hậu duệ của bà hiện đang sống ở nước ngoài và cách đây khoảng 2 tuần, đã về Việt Nam làm thủ tục sang nhượng lại ngôi biệt thự cho người khác với giá 35 triệu đô la (tương đương gần 780 tỉ đồng).
Dưới ánh đèn nhập nhoạng, dì Liên lúi húi dọn dẹp tủ thuốc lá, chuẩn bị đẩy sang bên kia đường gửi. Dì buồn bã: “Hôm nghe tin ngôi biệt thự sắp được sang nhượng, tôi chạy vào định lấy bức ảnh của ngoại về thờ, nhưng người ta không cho. Tui nghèo thiệt, nhưng tui trọng tình nghĩa, chứ không có ham tiền của người khác. Họ sợ tui lấy ảnh của ngoại rồi đi làm tiền họ đó”.
Cùng chung nỗi buồn với dì Liên, còn có chú Thơ. Người đàn ông khắc khổ này đã có trên 30 năm làm nghề sửa ổ khóa trước ngôi biệt thự cổ, cắc củm kiếm tiền nuôi vợ và 4 đứa con ăn học. Chú Thơ cũng có rất nhiều tình cảm với “ngoại”.
|
Trước khi ngôi biệt thự được sang tên, đổi chủ, có nhiều người tận dụng mặt bằng làm nơi buôn bán. |
|
Có thể thấy cái thùng có dòng chữ "pepsi" của một người buôn bán lề đường được xích vào hàng rào ngôi biệt thự, đề phòng trộm vào buổi tối. |
Rất rành rẽ, chú Thơ cho biết: “Căn biệt thự này có từ thời chú Hỏa, Sáu Nhiều. Ngày xưa ngoại phất lên nhờ làm nghề cầm đồ. Người ta cầm ngôi biệt thự này cho ngoại, không có tiền chuộc nên bán lại luôn. Ngoại sở hữu căn nhà này trước ngày giải phóng lận”.
Phóng viên hỏi thông tin về vị đại gia nào mới mua căn biệt thự cổ, cả dì Liên và chú Thơ đều lắc đầu.
Chú Thơ cười: “Tui hổng biết. Tui nghèo rớt mùng tơi, lo kiếm sống nuôi vợ con, chứ làm sao dám biết chuyện của người giàu hả chú?”.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, chủ nhân mới thực sự của ngôi biệt thự là một nữ doanh nhân thuộc thế hệ 8X, nhờ người khác đứng tên mua, bán.
Phóng viên quan sát, dù đã được sang tên, đổi chủ nhưng hai bảng hiệu kinh doanh đồ gỗ và bún bò, mì quảng, cơm tấm ở hai cổng chính ngôi biệt thự vẫn chưa được tháo dỡ. Buổi tối, người kinh doanh lề đường vẫn kéo tủ, bàn ghế vào sát hàng rào của ngôi biệt thự, móc dây xích khóa lại, đề phòng bị trộm cắp!
Trò chuyện với một bảo vệ ở đây, anh này cho biết: "Từ ngày thông tin mua bán ngôi biệt thự bị lan ra, nhiều phóng viên đến đây tìm hiểu, chụp ảnh. Chúng tôi làm bảo vệ, rất vui vẻ, chưa hề đánh đuổi ai. Thế nhưng không biết sao có những thông tin không đúng sự thật về chúng tôi?".
Theo Một Thế Giới