Những ngày qua, thông tin về người dân đổ xô gom đất Long Thành nhằm ăn theo việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) đang làm xôn xao dư luận. Nhiều thông tin đồn thổi giá đất gần khu vực sân bay đang sốt, người người đem tiền đi gom đất...
Để tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi đã tìm đến khu vực quy hoạch sân bay Long Thành để tìm hiểu. Được biết, tỉnh Đồng Nai đã tính phương án quy hoạch vùng phụ trợ sân bay trong diện tích 21 ngàn ha để phát triển dự án BĐS.
Tìm hiểu thực tế cho thấy có vẻ “cò đất” cũng đang là những người nắm quy hoạch khu vực này rõ như lòng bàn tay. Quyết định về việc tạm ngưng tách thửa đất tỉnh Đồng Nai đã ban hành từ tháng 4/2017 đang hạn chế quyền giao dịch mua bán, sang nhượng của người dân nhưng vẫn không ngăn được việc mua bán đất do "ăn theo" dự án sân bay Long Thành.
|
Việc gom đất Long Thành đã diễn ra hơn chục năm nay. |
Qua trao đổi với một số sàn giao dịch nhà đất tại huyện Long Thành, chúng tôi được biết việc gom đất không phải diễn ra do ăn theo thông tin sân bay Long Thành mà đã diễn ra hơn chục năm nay, khi mà nhiều dự án BĐS đã được vẽ trên giấy.
Những năm đầu 2000 đã có nhiều người gom hàng trăm héc-ta đất, thậm chí một số đại gia gom 3.000ha đến 5.000ha. Mục đích của nhóm người mua diện tích lớn là để phát triển rừng cao su, bởi thời gian này giá mủ cao su khá cao.
"Nhiều người có tiền mua đất chỉ để phát triển các loại hình nông nghiệp, hoặc xây dựng các khu nghỉ dưỡng mini ở ven sông, suối chứ ít khi nghĩ rằng mua để đón đầu cơ hội có sân bay Long Thành. Một phần nữa là họ gom đất nhằm phát triển các loại hình dịch vụ ăn theo khu đô thị Nhơn Trạch. Tuy nhiên, khu đô thị Nhơn Trạch đến nay vẫn chưa thành hình, do vậy nhiều người có đất đều cho thuê lại để người khác trồng cây cao su lấy mủ", chị Ngọc Hường, phó tổng giám đốc sàn giao dịch Đất Vàng, cho biết.
Cũng theo chị Hường, bắt đầu từ năm 2014, khi thông tin dự án sân bay Long Thành ngày một "nóng", nhiều người có đất không cho thuê nữa, thu hồi và chia nhỏ để bán hưởng lợi. Đây cũng là thời điểm rất nhiều người có tiền ở TP HCM đổ xô đến Long Thành, Nhơn Trạch tìm mua đất. "Những người có tiền chỉ biết mua vào bất kể là nguồn gốc đất đó như thế nào, bởi họ nghĩ dù sao đi nữa sân bay cũng sẽ làm nên chắc chắn giá đất sẽ tăng mạnh", chị Hường nói thêm.
Còn theo ông Minh Long, người dân đang sinh sống tại đường ĐT769, xã Bình Sơn, trong 2 năm trở lại đây ngoài đối tượng là "cò" nhà đất thì rất nhiều người dân cho là ở Sài Gòn đến các khu vực giáp ranh với dự án sân bay Long Thành "gạ" người dân bán đất. "Thị hiếu" của khách hàng đều nhắm đến những lô đất rộng hàng trăm ha, nếu đang có rừng cao su thì càng tốt vì họ cho rằng để đó từ từ "hợp thức hóa".
Theo đó, một lô đất cao su có diện tích 1.000m2 (chưa được chuyển lên đất thổ cư) có giá chào bán hiện nay lên đến gần 7 tỉ đồng, trong khi một tuần trước đó chỉ khoảng 6 tỉ đồng. Nếu đất nằm trong các con hẻm nhỏ thì giá bán chênh lệch không bao nhiêu.
Các cò đất tại đây hàng ngày túc trực tại nhiều quản cafe nằm rải rác dọc rừng cao su để chào mời khách qua đường. "Chúng tôi sẽ làm mọi thủ tục pháp lý để sang tên, chuyển đổi sang đất thổ cư, khách hàng chỉ việc xuất hiện đúng 1 lần để ký các giấy tờ liên quan và trao 50% tiền mua đất còn lại", một cò đất cho biết.
Đặc biệt, qua tìm hiểu rất nhiều hộ dân sinh sống tại hai xã này đang cho đốn chặt hết cây ăn trái hoặc cao su đã trồng hơn chục năm qua, tiến hành phân lô đất vườn để bán khi cơn sốt đất ăn theo sân bay lên đến đỉnh điểm. Một người dân địa phương cho biết, giá đất trên địa bàn xã đã tăng gấp đôi trong thời gian ngắn, mỗi khi khách hỏi thì “cò” đất luôn đảm bảo sẽ tách được thửa, có sổ đỏ riêng từng nền sau vài tháng.
"Hai ngày cuối tuần luôn có nhiều đoàn đi xe hơi sang trọng đến lân la tìm hiểu thông tin, thường hay "gạ" người dân có nhà mặt tiền các con đường nhựa lớn tại nhiều xã trong huyện để mua lại. Trong đó, có trường hợp một số "đại gia" Sài Gòn còn bỏ tiền ra thuê nhiều người dân đi làm "cò" đất để thuyết phục người thân trong gia đình bán lại đất đai cho họ", ông Long tiết lộ.
Một giám đốc sàn giao dịch BĐS tại đây cho biết thị trường BĐS phát triển nóng đã dẫn đến lượng giao dịch tăng đột biến, từ đó các sàn giao dịch BĐS thi nhau ra đời. Có nhiều người trước kia làm thuê cho một sàn nào đó, nay thấy thị trường này có vẻ dễ kiếm tiền nên tách ra thành lập sàn riêng. Tiêu biểu nhất là các "cò" đất gom góp tiền cùng nhau lập nên một công ty, trương bảng hiệu rất phô trương để chèo kéo khách hàng...
Khi được hỏi về việc có hay không có trên 80% người dân Sài Gòn đang nắm giữ đất quanh sân bay, một đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh huyện Long Thành, khẳng định rằng đó chỉ là thông tin trôi nổi trên thị trường hoặc nhiều sàn môi giới đưa ra chứ chưa có bất kỳ một thống kê rõ ràng nào. Và đặc biệt không có chuyện giá đất tại khu vực Long Thành sốt và tăng theo ngày. Vì nếu có mua bán, bắt buộc người mua và người bán phải qua văn phòng đăng ký làm hồ sơ để sang nhượng.
"Thời gian gần đây văn phòng của chúng tôi nhận hồ sơ xin cấp giấy tờ sở hữu nhà đất rất ít, vậy không biết họ mua bán bằng cách nào hay chỉ là giao dịch bằng giấy tay? Tôi xin khẳng định rằng mọi người nên đến văn phòng đăng ký đất đai để kiểm chứng thông tin giao dịch cũng như nguồn gốc đất đai, quy hoạch để tránh tiền mất tật mang", vị này nói thêm.
Nhận định về thị trường bất động sản Long Thành, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho rằng thị trường đã từng bị quả lừa trong quá khứ, đầu tiên là quả lừa với Thành phố mới Nhơn Trạch. “Hiện nay Nhơn Trạch cũng chưa được thành lập thị trấn. Chưa lên thị trấn thì lấy đâu ra đô thị loại 2 năm 2020 như kế hoạch? Nhiều người đã bị vỡ mộng nên phải hết sức cẩn trọng”, ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cũng lưu ý tình trạng đầu cơ BĐS. Đó là hành vi thu gom một lượng lớn sản phẩm đủ để chi phí thị trường ở địa bàn, dự án đó. Sau khi thu gom sản phẩm dẫn tới việc làm giá, khống chế thị trường. Hành vi này ảnh hưởng tới người tiêu dùng và có thể dẫn tới mức lũng đoạn thị trường BĐS, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Trước tình hình biến động về quy hoạch sử dụng đất, UBND huyện Long Thành cũng đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai sớm có quy hoạch và quản lý đất đai xung quanh vùng phụ cận sân bay Long Thành. Theo đó, UBND tỉnh sẽ sớm có quy hoạch vùng ven sân bay để việc quản lý đất được ổn định. Hiện nay, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể vùng ven sân bay nên việc quản lý đất nơi đây còn khó khăn, tình trạng sang nhượng đất thời gian vừa qua khá nóng và rất lộn xộn.
Theo Thời đại