Trong những năm qua, chính sách nhà ở xã hội đã tạo điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp ở các đô thị. Tuy nhiên, nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng nhà ở xã hội để trục lợi bằng cách mua đi bán lại không đúng với quy định của pháp luật, đẩy rủi ro, thiệt hại cho chính những người thu nhập thấp đang cần nhà ở, hoặc không có người ở vì đầu tư không hợp lý và thiếu tính đồng bộ.
Theo báo cáo về thông tin nhân khẩu tại 9 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng mà Công an thành phố Hà Nội đã từng kiểm tra và công bố, kết quả tại 4/9 dự án nhà ở xã hội đều có vi phạm về mục đích sử dụng căn hộ: 319 căn hộ do đối tượng khác sử dụng (chiểm 6,5%); 441 căn hộ chưa có người sử dụng (chiếm 9%); 5 căn hộ đã sử dụng không phải mục đích để ở (chiếm 0,1%).
|
Sẽ thu hồi nhà ở xã hội nếu sau 3 tháng cư dân không đến ở? Ảnh: Internet. |
Điển hình như như vụ lùm xùm xảy ra tại dự án nhà xã hội Rice City (KĐT Tây nam Linh Đàm) khi bố của Tổng GĐ Cty là chủ đầu tư (Cty CP Bic Việt Nam) vẫn được xét duyệt mua nhà xã hội vào năm 2017.
Bên cạnh đó, không khó để tìm kiếm những mẩu tin rao bán, chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội trên mạng internet. Từ những dự án chưa bàn giao nhà, đến những dự án mới bàn giao gần đây và chưa cấp sổ đỏ cho cư dân, hay những căn hộ đang được vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vẫn được rao bán lại. Có khi cùng một người rao bán một lúc nhiều căn hộ nhà ở xã hội khác nhau.
Thậm chí, có những người mượn hồ sơ mua 2 căn hộ cạnh nhau có vị trí đẹp rồi đập thông thành 1 căn hộ rộng hơn bởi giá bán của nhà ở xã hội rẻ hơn lại được vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp theo ưu đãi của nhà nước. Như vậy có thể nói, nhiều người đã lợi dụng chính sách của nhà nước để thu lợi bất chính.
Như vậy, có thể thấy, những hành vi trục lợi từ chính sách của nhà nước để thu lợi bất chính ngày một gia tăng khiến nhiều người dân bất bình. Trước tình trạng nhiều nhà ở xã hội sử dụng sai mục đích này, Dự thảo Quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội do Sở Xây dựng chủ trì soạn thảo và được trình mới đây tại phiên họp tập thể UBDN TP. Hà Nội đề nghị, nếu sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ nhà ở xã hội mà người mua, thuê, thuê mua không đến ở, thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi căn hộ.
Chia sẻ với Kiến Thức về dự thảo này, luật sư Tống Minh Hữu - Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng đồng tình với đề nghị này.
Tuy nhiên, luật sư Tống Minh Hữu cho rằng, cần phải xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là những người không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại có giá trị cao. Ngoài ra, cần lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội.
Cũng theo luật sư Tống Minh Hữu, thực tế có trường hợp chủ nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội cho người khác thuê, mượn lại nhà ở của mình dưới hình thức khách hàng “âm thầm” chuyển đến sử dụng nhà, còn chủ nhân vẫn đứng ra thực hiện các trao đổi, giao dịch về mặt danh nghĩa với các cơ quan quản lý, ban quản trị nhà. Sau đó, đợi đến khi đủ thời hạn và đủ các điều kiện để cho thuê, bán lại, chủ nhà sẽ hoàn thiện các giấy tờ bán nhà chính thức để sang tên.
Thực tế này phát sinh nhiều rủi ro cho cả 2 bên giao dịch. Bởi vì bên sở hữu nhà bán, cho thuê trái phép nếu bị phát hiện sẽ bị phạt và tịch thu nhà. Còn về bên mua, thuê lại, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào về việc bồi thường cho đối tượng này. Do đó, việc siết quy định quản lý về nhà ở xã hội là cần thiết.
Vì vậy, luật sư Tống Minh Hữu cho rằng, việc quản lý nhà ở xã hội nên bắt đầu từ khâu kiểm định hồ sơ mua bán nhà. Ngoài ra, quy định về mức xử phạt chưa khả thi, khó hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Bảo Ngọc