UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định chưa ban hành bất cứ văn bản nào về việc dừng dự án xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc. Thông tin này dễ làm cho độc giả hiểu sai bản chất vấn đề, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin chính thức từ UBND tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc nằm trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bao gồm một số dự án và được huy động nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện.
Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), bao gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài (hai dự án), UBND tỉnh đã giao UBND TP Thái Nguyên lập đề xuất dự án và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt đề xuất hai dự án tại các Quyết định: Số 3828/QĐ-UBND và số 3829/QĐ-UBND ngày 08/12/2017; phê duyệt báo cáo khả thi tại các Quyết định: Số 298/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 và số 299/QĐ-UBND ngày 31/01/2018. Tổng mức đầu tư của hai dự án 2.151,8 tỷ đồng.
Dự án đường trục nối ĐT.261 đến khu vực Đền Gàn, hồ Núi Cốc, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông - Vận tải lập đề xuất dự án và đã được UBND tỉnh phê duyệt đề xuất dự án tại Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 với tổng mức đầu tư 614 tỷ đồng.
Các dự án trên đang được triển khai đảm bảo đúng quy định, tiến độ và kế hoạch đề ra.
Nhóm Dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách (dự án thành phần Khu du lịch hồ Núi Cốc) đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 06/7/2016. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư dự án này với tổng mức đầu tư 4.062 tỷ đồng.
Hiện nay quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 13/11/2017; phê duyệt tiểu dự án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Quyết định 3754/QĐ-UBND ngày 31/12/2016. Doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương triển khai thực hiện dự án theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư.
Nhóm Dự án đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước) là Dự án Xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng (dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư, 20% vốn ngân sách tỉnh).
Dự án đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 27/10/2017. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và để đảm bảo tính khả thi Ủy ban Nhân dân tỉnh đã báo cáo xin ý kiến và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên nhất trí cho kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn sau năm 2020 tại Kết luận số 246-KL/TU ngày 15/01/2018.
Đối với nhóm dự án này, hiện UBND tỉnh Thái Nguyên đang giao các cơ quan chức năng hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình các Bộ, ngành trung ương thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Theo Minh Thư/Infonet