Soi giá khủng những lô đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) nắm quyền quản lý 4 lô đất vàng liệu có phải là lý do chính thu hút nhà đầu tư ngoài ngành tham gia cổ phần hóa?

Việc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) nắm quyền quản lý 4 lô đất vàng và không được định giá khi cổ phần hóa đang được đặt câu hỏi liệu có phải là lý do chính thu hút nhà đầu tư ngoài ngành tham gia cổ phần hóa và dẫn đến hàng loạt trục trặc về sau?
Theo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS vào đầu năm 2016, tại thời điểm đó hãng đang quản lý và sử dụng 4 khu đất ở Hà Nội và TP HCM.
Soi gia khung nhung lo dat vang cua Hang phim truyen Viet Nam
 Hãng phim truyện Việt Nam đang sở hữu khu đất rộng 5.345 m2 mặt đường Thụy Khuê. Ảnh: vietbao.vn.
Trong đó, khu đất vàng số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2. Tuy là đất thuê và đã hết hiệu lực hợp đồng từ năm 2003 và chưa có hợp đồng mới, nhưng công ty vẫn đang sử dụng làm trụ sở, còn một phần cho thuê lại. Tuy nhiên, giữa VFS và bên thuê đất cũng xảy ra những tranh chấp dẫn đến việc khởi kiện ra tòa nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Khu đất vàng hồ Tây này hiện có một vị trí vô cùng đắc địa, hai mặt tiền là đường Thụy Khuê và đường ven Hồ Tây, Hà Nội, nằm liền kề với trường THPT Chu Văn An, xung quanh là các nhà hàng hoạt động rất sầm uất, nhộn nhịp.
Nơi đây là trụ sở chính của Hãng phim truyện Việt Nam và là nơi sinh sống, buôn bán của một số hộ dân cư, các nhà hàng, quán cơm hướng ra mặt hồ.
Theo VTC News, khu đất này nếu tính theo mức giá 150 triệu đồng/m2 đất mặt đường Thụy Khuê, thì khu đất này có giá trị lên tới hơn 820 tỷ đồng.
Soi gia khung nhung lo dat vang cua Hang phim truyen Viet Nam-Hinh-2
 Mặt đường ven hồ Tây của khu đất thuộc sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: An Ninh Tiền Tệ
Mời quý độc giả xem video: "Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam còn nhiều tranh cãi?". Nguồn: TTXVN.
Bên cạnh khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, Hãng phim truyện Việt Nam còn sở hữu lô đất vàng số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Khu đất này rộng hơn 1.200m2, cũng là đất thuê, nhưng hãng đang hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác để xây dựng 2 công trình, trong đó một công trình 74m2, cao 4 tầng được dành làm văn phòng, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn...
Riêng khối nhà 11 tầng được xây dựng trên diện tích 1.134m2 thì đang được khai thác cho thuê làm văn phòng. Tuy nhiên, trước thời điểm cổ phần hóa, giữa hãng phim và đơn vị đối tác cũng xảy ra bất đồng liên quan đến việc quản lý tòa nhà.
Ngoài ra, hãng còn có khu đất 6.382m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và khu đất 905 m2 trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe. Bộ VH-TT&DL đã có công văn giao đất và VFS cũng đang hoàn tất thủ tục pháp lý của 2 tài sản này.
Khu đất tại Hoàng Hoa Thám, nếu tính theo giá thị trường hiện tại rẻ nhất là 135 triệu đồng/m2 thì khu đất này có giá lên tới 121 tỷ đồng. Còn khu đất tại Đông Anh có giá trị ít nhất là 160 tỷ đồng.
Như vậy, việc Vivaso chỉ cần chi 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% VFS đặt ra rất nhiều nghi vấn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa như vậy là quá rẻ mạt, không đúng với giá trị thực tế.
Chia sẻ trên Vietnamnet về VFS, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, điểm sáng thu hút NĐT chính là ở chỗ VFS đang sở hữu dưới hình thức thuê đất hoặc được giao đất tại một số khu đất đắc địa tại Hà Nội.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư mua VFS ở mức giá không bao gồm giá trị hoặc lợi ích từ các khu đất nói trên. Điều đó có nghĩa rằng, hậu cổ phần hóa, các cổ đông của VFS có thể thặng dư một khoản chênh lệch địa tô lớn nếu như doanh nghiệp được cấp sổ đỏ và cũng có hưởng lợi nếu doanh nghiệp  phát triển các công trình trên đó, từ giá trị phần diện tích dôi thêm do xây mới hoặc cải tạo.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Quang Trí nhận định, cổ phần hóa mà không định giá đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan và qua đó việc thất thoát tài sản là không loại trừ.
Được biết, Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, với lịch sử 56 năm tồn tại và phát triển gắn chặt với ngành điện ảnh và các hoạt động nghệ thuật. Tuy vậy, VFS lại rơi vào cảnh thua lỗ triền miên. Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, VFS có khoản lỗ lũy kế 39,6 tỷ đồng, chủ yếu do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước trong giai đoạn 2004-2014 (lỗ 34,3 tỷ đồng).
Theo kết quả phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của VFS vào ngày 14/4/2016, VFS chỉ bán được 115 ngàn cổ phần trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Thời điểm đó công ty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỷ đồng.
Theo phương án, sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ CNV 4,5% và 65% bán cho một doanh nghiệp không mấy liên quan đến lĩnh vực điện ảnh là Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.
Tuy nhiên, hơn một năm sau cổ phần hóa, cuộc sống của các nghệ sĩ thuộc VFS vẫn không thể ổn định, họ vừa có đơn kêu cứu sau gần ba tháng hãng được VIVASO mua lại. Cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ hãng phim truyện và ban lãnh đạo mới cũng vừa diễn ra chiều ngày 19/9/2017 trong bầu không khí căng thẳng, gay gắt.
Như vậy là từ sau quá trình đấu giá cổ phần VFS diễn ra hồi tháng 4 năm ngoái đến nay, những lùm xùm xung quanh thương vụ này vẫn chưa có hồi kết.
Hồng Liên (Tổng hợp)