Hơn 1 năm vẫn “cửa đóng, then cài”…
Dự án Công viên Hồ điều hoà Nhân Chính nằm ở vị trí "đất vàng," mặt tiền giáp với đường Hoàng Minh Giám, đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, liền kề khu liên cơ thành phố, giao cắt giữa quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy. Dự án do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 298,7 tỷ đồng với nguồn đầu tư từ ngân sách.
Theo quy hoạch, Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính có tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 13,23 ha, bao gồm cả khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân và các khu đất phía trước Trung tâm gồm 3 khu chức năng: Hồ điều hòa với diện tích khoảng 80.000 m2, khu vực công viên cây xanh cảnh quan với diện tích khoảng 52.156 m2; đất hạ tầng kỹ thuật, trạm bơm với diện tích khoảng 200 m2.
|
Toàn cảnh Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính. Ảnh: Zing. |
Được khởi công từ tháng 5/2016, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành lá phổi xanh, giải toả ngột ngạt tại một trong những vùng đô thị đông đúc nhất Thủ đô. Thời gian dự kiến hoàn thành là sau 390 ngày thi công.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, cho đến nay, dự án công viên hồ điều hoà Nhân Chính vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Phía bên trong công viên ngổn ngang đất đá, rác thải, sắt thép, vật liệu xây dựng. Một số hạng mục, công trình vẫn phủ bạt suốt một thời gian dài, nhiều hạng mục đã rỉ sét.
|
Phía bên trong công viên ngổn ngang đất đá, rác thải, sắt thép, vật liệu xây dựng. Ảnh: Zing. |
Bủa vây Công viên hồ điều hoà Nhân Chính là hàng loạt nhà cao tầng đã và đang mọc lên. Điển hình số này là Mandarin Garden nhìn thẳng ra công viên với hàng trăm căn hộ đã được đưa vào sử dụng vài năm. Đối diện bên phía đường Vành đai 3 là dự án chung cư Thăng Long Number One với trên 1.000 căn hộ.
Thậm chí, theo báo Xây dựng, nhiều đơn vị, cá nhân đã tận dụng khai thác sử dụng vào mục đích kinh doanh với rất nhiều công trình sân bóng, bãi trông rửa xe ngày và đêm, lều lán… được dựng lên để khai thác kiếm lời.
|
Bãi rửa xe. Ảnh: Vietnamnet. |
… Nguyên nhân từ đâu?
Theo Vietnamnet, ban đầu, dự án được UBND Thành phố giao cho Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar (thuộc Tập đoàn Megastar) làm chủ đầu tư dự án vào năm 2008. Đến năm 2011, Thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án này.
Sau khi được giao làm chủ dầu tư, Công ty Vina Megastar đã nhiều lần rậm rịch khởi công tuy nhiên, sau 5 năm, đơn vị này mới chỉ xây dựng được một hàng tường bao phía đường Hoàng Minh Giám, còn lại chưa triển khai xây dựng thêm được hạng mục nào. Sau khi chủ tịch công ty này bị bắt, dự án “đóng băng”, đây là dấu chấm hết cho Megastar không còn đủ khả năng đầu tư tiếp tục vào dự án.
Đến đầu năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức thu hồi dự án từ Vina Megastar với lý do đơn vị này không chịu triển khai dự án.
Ngày 13/5/2013, Ocean Group đã có văn bản gửi Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, bày tỏ muốn đầu tư dự án thay cho Megastar. Ocean Group cho biết, Tập đoàn Đại Dương và liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Ocean Group nắm 70%) và Vinaconex đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án StarCity Centre, đề xuất Thành phố giao làm chủ đầu tư dự án này.
Đồng thời cho phép tiếp quản việc thực hiện các thủ tục từ Megastar như điều chỉnh lại quy hoạch tổng mặt bằng,…Nếu được chấp thuận, Ocean Group dự kiến sẽ khởi công vào 10/10/2013.
Tuy nhiên, chưa được chấp thuận thì một lần nữa ông chủ của Ocean cũng đã vướng vòng lao lý do các hoạt động kinh doanh. Tuy không liên quan tới dự án nhưng dường như khả năng Ocean Group đầu tư vào công viên là không thể.
Sau khi chủ đầu tư Megastar và Ocean Group “gãy cánh”, thành phố đã phải thu hồi dự án và giao lại cho UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, và được điều chỉnh quy hoạch chỉ xây dựng một khu công viên công cộng có mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Đến quý 3/2015, dự án được tái khởi công theo hình thức BT.
Hồng Liên (Tổng hợp)