|
Dự án khu du lịch Bình Tiên 'đắp chiếu' sau 13 năm khởi công. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+. |
Điều đáng nói là, để thực hiện siêu dự án hứa hẹn “khơi sáng tiềm năng du lịch cho tỉnh nghèo,” 72 hộ dân đã buộc phải di dời, nhường đất đai cho chủ đầu tư với mức giá bồi thường 4-5.000 đồng/m2, thậm chí có nơi chỉ có 1.200 đồng/m2.
Vậy nhưng, hơn một thập kỷ trôi qua, viễn cảnh tươi đẹp về du lịch vẫn còn quá xa vời. Từ khi được cấp phép đến nay đã trải qua 6 “đời” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhưng dự án nằm trong vùng đặc khu kinh tế Ninh Thuận vẫn nằm trên giấy.
“Ôm” đất vàng, “ngâm” dự án
Dự án khu du lịch Bình Tiên (tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên làm chủ đầu tư, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2005, với tổng vốn đầu tư là 555 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh nâng mức đầu tư lên 2.579 tỷ đồng.
Trước khi được cấp phép, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên đã trình kế hoạch đầu tư những hạng mục rất “khủng” ở khu du lịch này, như: Hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với hơn 500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi, 200 căn biệt thự, bến du thuyền, sân golf, hồ bơi, khu tái định cư...
Theo tiến độ thực hiện, Dự án khu du lịch Bình Tiên sẽ khởi công và hoàn thành trong 6 năm (từ năm 2005-2010). Đến tháng 10/2009, Ủy ban tỉnh Ninh Thuận gia hạn tiến độ giai đoạn II, đến tháng 9/2014 phải đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.
Để thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi hơn 190 hécta đất ven biển, trong đó có đất sản xuất, đất ở của 72 hộ dân với lời hứa của nhà đầu tư là “chỉ trong vài năm, khi khu du lịch hình thành, đời sống của bà con sẽ khá hơn nhờ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ...”
Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp về dự án còn quá xa vời, bởi sau 13 năm xây dựng, trải qua 6 “đời” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, “siêu dự án” khu du lịch Bình Tiên vẫn hoang vắng ngoài việc chỉ xây một số căn nhà điều hành dở dang và khu tái định cư ngay sau khi người dân nhường khu “đất vàng” ven biển cho dự án.
Báo cáo kết luận số 2947/KL-UBND về việc kiểm tra toàn diện các quy định pháp luật tại Dự án khu du lịch Bình Tiên, do ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận ký ngày 25/7/2016 (báo cáo mới nhất được Thanh tra tỉnh cung cấp) cho thấy, tiến độ thực hiện dự án còn quá chậm so với cam kết.
Theo báo cáo, nhận thấy nguyên nhân chậm tiến độ là do khó khăn chung của doanh nghiệp nên ngày 4/5/2012, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ra Thông báo số 676/TB-VPUB truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Bình Tiên về việc giãn tiến độ dự án, hoàn thành giai đoạn I của dự án vào đầu năm 2014.
Tuy nhiên, sau khi có Thông báo số 676 nêu trên, tiến độ triển khai dự án vẫn chậm. Vì vậy, ngày 6/8/2013, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan và chủ đầu tư.
Qua đó kết luận: “Qua 8 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án vẫn triển khai quá chậm mà chủ đầu tư chưa có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ. Nguyên nhân chậm trễ gồm cả khách quan và chủ quan như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…, nhưng nguyên nhân cơ bản là do khả năng tài chính của nhà đầu tư chưa đảm bảo, việc triển khai dự án chậm gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.”
Ngay sau đó, để thúc đẩy tiến độ dự án, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý về kết quả rà soát, giải pháp cụ thể về tiến độ đầu tư của nhà đầu tư.
Vậy nhưng, đến tháng 7/2016, kết luận kiểm tra toàn diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về dự án khu du lịch Bình Tiên vẫn cho thấy: “Qua 10 năm thực hiện, mới chỉ đạt 10% so với khối lượng phải thực hiện của toàn dự án. Chủ đầu tư đã vi phạm quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013”.
|
Người dân nhường đất cho dự án lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất, trong khi dự án bỏ hoang. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+. |
Dự án 2.579 tỷ đồng chậm vì thiếu nước sạch?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận thừa nhận: Dự án khu du lịch Bình Tiên triển khai quá chậm, không đạt được mục tiêu của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Chỉ tính trong giai đoạn I, trước khi chủ đầu tư xin gia hạn thêm thời gian, dự án này đã chậm tới 55 tháng.
“Từ lúc khởi công đến nay, dự án dường như không triển khai. Lý do chủ đầu tư đưa ra là vì Nhà máy nước Thành Trung không cung cấp được nguồn nước sạch theo yêu cầu để thực hiện dự án. Đây cũng là nguyên nhân chính họ báo cáo để kéo dài thời gian thực hiện, khiến dự án nằm im một chỗ đến nay,” ông Thạch nói.
Thực tế trên đặt ra câu hỏi, tại sao dự án có tổng vốn đầu tư tới 2.579 tỷ đồng gần như “nằm im" suốt 13 năm qua, mà lý do đơn giản chỉ vì “thiếu nước sạch?”?Tại sao tỉnh Ninh Thuận vẫn để dự án “đắp chiếu” như vậy?
Ông Thạch cho biết: “Lý do thiếu nước chỉ là nguyên nhân khách quan của chủ đầu tư. Còn quan điểm của tỉnh là căn cứ theo kết luận thanh tra, sau 24 tháng gia hạn (tính đến ngày 8/6/2018), nếu chủ đầu tư vẫn không hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh kiên quyết thu hồi dự án.”
Hiện tại, dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian gia hạn thực hiện dự án, nhưng các hạng mục của khu du lịch Bình Tiên vẫn “nằm im” không hề được triển khai. Trên phần đất dự án, các phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc thi công xây dựng sau nhiều năm bỏ hoang đã bị hoen gỉ, không còn khả năng sử dụng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào chiều 19/5, lãnh đạo Công ty Thành Trung (chủ đầu tư Nhà máy nước Thành Trung) khẳng định, việc Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Bình Tiên cho rằng Nhà máy nước Thành Trung không cung cấp đủ nước cho dự án của họ là hoàn toàn bịa đặt, không đúng thực tế.
“Ngay từ đầu, hai bên đã thống nhất việc mua bán, cung cấp nước là sẽ cung cấp đủ nước sạch. Chúng tôi cũng đã kéo lắp đường ống từ nhà máy vào tận khu dự án, thế nhưng lắp xong thì chủ đầu tư lại bỏ chạy, dự án bỏ hoang, việc này khiến chúng tôi bị tổn thất không ít kinh phí,” lãnh đạo Công ty Thành Trung nhấn mạnh.
Trong diễn biến liên quan, ông Hà Minh Vương, cán bộ phụ trách xử lý nước của Nhà máy nước Thành Trung cũng cho biết, theo thỏa thuận ban đầu, nhà máy này có thể cung cấp cho khu du lịch Bình Tiên 6.500m3 nước mỗi ngày. Thế nhưng khi công ty lắp xong đường ống thì dự án du lịch lại bỏ hoang cho tới bây giờ.
|
Một số căn nhà điều hành được xây dựng dở dang và bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+. |
Hệ lụy lớn từ dự án “treo” ven biển
Việc siêu dự án khu du lịch Bình Tiên bỏ hoang, “treo” suốt 13 năm qua không chỉ gây ra sự thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phát triển du lịch tại vùng dự án bằng không, mà nó còn gây ra không ít hệ lụy khiến người dân mất sinh kế, không có đất để canh tác trong khi gần 200 hécta đất làm dự án thì bỏ hoang.
Ông Dương Văn Tửu, một trong 72 hộ dân có đất bị thu hồi, bức xúc cho biết, người dân nơi đây đến khai hoang lập làng kinh tế mới Bình Tiên từ năm 1976. Lúc bấy giờ còn là khu rừng hoang. Sau hơn 30 năm gian khổ cải tạo thành rừng sản xuất, đến ngày ổn định cuộc sống thì người dân lại phải nhường đất cho dự án.
Điều đáng nói là, khi tỉnh Ninh Thuận thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án, người dân thôn Bình Tiên đã phải chịu thiệt thòi, chấp nhận nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất đai quá thấp, từ 4-5.000 đồng/m2, tùy từng loại đất. Thậm chí có loại đất ven biển chỉ được bồi thường, hỗ trợ với giá 1.200 đồng/m2. (Theo mức giá quy định chung của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận).
Trong khi đó, theo Quyết định số 87/2005/QĐ-UBND, ngày 21/12/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận (tỉnh giáp ranh với Ninh Thuận), thì việc thu hồi đất để giao cho các dự án du lịch ven biển có giá đền bù cho nông dân từ 100-150.000 đồng/m2 tùy thuộc vào vị trí đất nằm gần hay xa bờ biển.
Ông Tửu cũng cho biết, vì sự chênh lệch về mức giá bồi thường trên nên lúc đầu người dân không đồng tình. Tuy nhiên, khi tỉnh “quyết tâm thu hồi,” bà con cũng đành chấp nhận nhường đất cho dự án. Thế nhưng đã qua 13 năm, dự án này vẫn còn bỏ hoang lãng phí, trong khi người dân thì không có đất để canh tác.
“Trước đây có đất sản xuất, mở hàng quán ven biển còn có điều kiện kinh tế. Thế mà, sau khi nhường hơn 6 hécta đất cho dự án, gia đình tôi xây lại ngôi nhà ở khu tái định cư cũng hết luôn số tiền bồi thường ít ỏi. Không có đất canh tác, không có việc làm nên cả nhà phải làm đủ thứ việc để sống qua ngày,” ông Tửu chia sẻ.
Vẫn theo ông Tửu, dự án khu du lịch Bình Tiên đã nhiều lần làm lễ khởi công, sau đó lại bỏ hoang. “Khi chưa xây dựng khu du lịch, bà con ai cũng có một đàn dê, hoặc bò với tổng số hơn 1.000 con. Hơn thập kỷ qua, đất đai bị thu hồi, không còn đồng cỏ nên người dân đã bán gần hết gia súc. Hiện đời sống của họ rất khó khăn.”
Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, nhiều hộ dân thôn Bình Tiên cũng cho biết, vì thiếu đất sản xuất, thiếu tiền làm vốn, không tìm được sinh kế nên nhiều người dân đã dần rời bỏ khu tái định cư để đi tìm công việc mưu sinh.
“Trước đây chúng tôi đã phải nhường hết đất cho doanh nghiệp làm dự án, vậy mà bao năm qua dự án lại bỏ hoang thế này, xót lắm. Bây giờ, bà con chúng tôi chỉ giám mong lãnh đạo tỉnh, nhà nước thúc dự án sớm hoàn thành để bà con mất đất đỡ khổ,” bà Lê Thị Bạch Tuyết, người dân thôn Bình Tiên buồn rầu nói.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định có quyền chấm dứt hợp đồng của dự án đầu tư trong trường hợp: Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện, hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, dự án khu du lịch Bình Tiên còn “vi phạm Điều 64 Luật Đất đai 2013: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa phải đưa vào sử dụng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại dự án khu du lịch Bình Tiên:
Theo Hùng Võ/Vietnam+