Như Kiến Thức đã đưa tin trước đó, tại Dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) đã và đang xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như: chủ đầu tư tự ý đổ thêm tầng lửng, tự ý mở rộng diện tích tầng tum, chia nhỏ tầng tum thành nhiều căn hộ… Mặc dù đã được cơ quan chức năng phát hiện từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa hề bị xử phạt gì khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngại, bức xúc... Để làm rõ hơn về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các bên liên quan, Báo điện tử Kiến Thức đã có buổi trao đổi nhanh với Luật sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam.
Để xảy ra hàng loạt sai phạm… trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư
Luật sư Hào cho rằng, việc chủ đầu tư Dự án SDU 143 Trần Phú tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2,3,4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một thành 2 mặt sàn và việc tự ý mở rộng diện tích tầng tum (tầng 36), chia nhỏ tầng tum thành 16 căn hộ trái phép là hoàn toàn sai phạm.
|
Sai phạm hàng loạt tại Dự án SDU 143 Trần Phú |
Thứ nhất là chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội SDU Trần Phú vi phạm về việc xây dựng không phù hợp với Giấy phép xây dựng theo khoản 4 Điều 12 Luật xây dựng: "Xây dựng các công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp."
Đối với hành vi vi phạm này, đầu tư Dự án nhà ở xã hội SDU Trần Phú sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 5, Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/ NĐ – CP về việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới.
Trong đó, Khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/ NĐ – CP quy định: a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Còn Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/ NĐ – CP quy định: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp , xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép , không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.
Mặt khác, tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2014/TT- BXD quy định về xử phạt hành vi xây dựng sai phép cũng nêu rõ: “Hành vi xây dựng sai phép quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/ NĐ- CP được hiểu là xây dựng sai một nội dung của giấy phép xây dựng và các bản vẽ thiết kế được cơ quan nhà nước cấp giấy phép xây dựng đóng dấu kèm theo giấy phép xây dựng được cấp.”
|
Chia nhỏ tầng tum thành nhiều căn hộ sai phép. |
Chủ đầu tư sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngoài ra, cũng theo luật sư Hào, việc để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Dự án SDU 143 Trần Phú, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà. Tiếp đó, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công, lực lượng Thanh tra xây dựng đô thị các cấp từ Phường, Quận, Thành phố….
Với những sai phạm này, căn cứ theo Điều 4, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thì hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:
- Ngừng thi công xây dựng công trình.
- Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.
- Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
- Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
- Ngoài các hình thức xử lý quy định nêu trên thì đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị còn bị nêu tên trên website của Bộ Xây dựng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với việc xử lý công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị xử lý như sau:
1. Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng.
2. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
3. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Hồng Liên