Lộn xộn, thụt ra thụt vào và chơi vơi trên độ cao 10 đến 20m, có những nhà còn xây ô, quay thửa, cơi nới ra các phía hành lang bên ngoài... là thực trạng của nhiều gian nhà tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay. Trong đó có chung cư A1 (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đó cũng là cách để họ tìm “lối thoát” cho mình.
Thực trạng ấy cũng xuất phát từ “cơn lốc” đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số nhanh khiến khu chung cư vốn được xây dựng từ những năm 80 của thế kỉ trước dần trở nên chật hẹp, cũ nát.
Dẫn chúng tôi thăm quan chung cư A1, ông Nguyễn Hồng Liên (Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Thanh Xuân Bắc) vừa đi vừa chỉ những vết nứt toác của cầu thang hay trần nhà khiến sắt thừa cả ra ngoài.
Hiện tượng “cơi nới” này cũng xuất phát từ thực tế, nhà chật chội. Nhiều hộ đã cơi nới như thế và tranh thủ phần diện tích đó để đựng đồ đạc, nuôi chó, mèo hay trồng cây...
Đã xảy ra trường hợp hai nhà cãi nhau ỏm tỏi rồi đùng đùng đưa nhau lên phường chỉ vì nhà ông nọ lấn sang nhà bà kia, rồi cơi nới làm ảnh hưởng tới cuộc sống nhà hàng xóm.
Cũng theo ông Liên, rất nhiều hộ gia đình ở chung cư A1 đã dọn đi sống chỗ khác. Họ cho sinh viên thuê nơi này.
Không chỉ có hiện tượng cơi nới khiến mỹ quan đô thị bị phá vỡ, thậm chí đe dọa tính mạng người đi đường mà hiện tượng tắc bể phốt cũng khiến người dân ngán ngẩm thở dài và cắn răng chịu đựng từ ngày này qua ngày khác.
Khẽ gõ nhẹ vào tường nhà 1 người dân chưa được sửa chữa, những mảng tường bong tróc rơi khắp nền nhà. Bà chủ nhà chỉ biết thở dài: “Giờ tôi có dám ở đây nữa đâu”.
|
Chung cư G6A Thành Công đang ở mức báo động. Những chuồng cọp xấu xí, mạnh ai nấy đua... |
Là 1 trong hai tòa nhà chung cư cũ được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình, tòa nhà G6A vẫn "qua mắt" được gia đình chị Trang.
Đang chơi cùng cháu, mẹ chị Trang chỉ biết thở dài khi trước câu hỏi của chúng tôi về thực trạng căn nhà gia đình bà đang sống.
“Đây là căn chúng tôi đi thuê. Lúc mới thuê, vợ chồng cái Trang thấy nhà nghiêng, chúng nó chỉ đơn giản nghĩ là do thiết kế chứ có nghĩ đâu tới chuyện nhà xuống cấp và đang ở mức báo động”.
Để chứng minh độ nghiêng của căn phòng mình đang ở, chị Trang đặt 1 quả tảo dưới nền nhà, ngay lập tức quả táo lăn tròn và trôi về 1 phía.
Còn với ông N.V.T (61 tuổi) đang sống trong căn hộ ở tầng 5, căn hộ có diện tích gần 28m2 đã được gia đình ông đầu tư gần 100 triệu đồng để tu sửa lại các hạng mục bên trong nhưng cũng không chống lại được sự xuống cấp của khu chung cư này.
Ông cho hay, người dân ai cũng biết nguy hiểm luôn rình rập khi sống trong căn hộ xuống cấp như thế này nhưng vẫn “liều” ở vì đa số họ đều là những người về hưu, điều kiện kinh tế không có để chuyển đi nơi khác”.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin