Phố cổ ồn ã tiếng buôn bán, còi xe, vậy nhưng chỉ cần đi qua ngõ nhỏ, bước qua cổng nhà, khách ghé thăm như lạc vào một thế giới khác. Một khu vườn trong lành, xanh mướt, yên tĩnh giữa đời thường hiện ra. Sự đặc biệt đó khiến nhiều du khách quốc tế đã chọn nơi đây làm điểm thăm quan trong hành trình thăm phố cổ Hà Nội, mặc dù đây không phải là một di tích văn hoá.
|
Nhà vườn 115 Hàng Bạc. |
Đó là ngôi nhà vườn số 115 Hàng Bạc, cổng phụ tại số 6 Đinh Liệt vốn thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề. Ngôi nhà được xây năm 1945, dưới bàn tay thiết kế của kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ (Phạm Hoàng) - một KTS có tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của làng KTS Việt Nam. Theo ông Nguyễn Anh Khánh, Phó phòng Quy hoạch kiến trúc, BQL Phố cổ Hà Nội thì đây là căn nhà vườn độc đáo nhất và duy nhất ở phố cổ. Nói về kiến trúc, ngôi nhà là sự giao thoa giữa văn hoá Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX. Nội thất ngôi nhà có những nét phong cách châu Âu như trần nhà cao, các không gian được chia nhỏ tạo sự riêng biệt. Bên cạnh đó, là nét truyền thống với những nếp ngói tỏa xuống hiên, mái cong vút đầu đao… “Phải nói rằng, để có được kiến trúc như vậy vào thời điểm 1945 rất hiếm hoi, ông Khánh nói.
Điều đặc biệt, ngôi nhà gắn liền với 5 thế hệ nhà họ Phạm. Nếp sinh hoạt người Tràng An trong ngôi nhà vẫn được gia đình gìn giữ. Những câu đối, hoành phi, những bộ bàn ghế hàng trăm năm tuổi được gia chủ gìn giữ cẩn thận. Từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương bảo tồn, tôn tạo ngôi nhà số 115 Hàng Bạc. Mặc dù vậy, việc tìm giải pháp bảo tồn cho ngôi nhà vườn nói riêng và những ngôi nhà cổ có giá trị vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ cho biết, do đây là công trình dân sinh, nên bảo tồn, cải tạo như thế nào là điều không đơn giản. BQL phố cổ đã lập dự án bảo tồn, khôi phục lại nghề kim hoàn tại căn nhà, tạo điểm dừng chân cho du khách.
Ban đầu, dự án nhận được sự ủng hộ của các hộ dân. Tuy nhiên, đến khi lập xong dự án, một số hộ tầng 2 lại không chịu dời đi. Ông Phạm Ngọc Giao, con trai cả cụ Tề cho biết, gia đình luôn ủng hộ chủ trương bảo tồn của thành phố. Nhưng cần bảo đảm an sinh cho người dân. Đa số các hộ dân trong ngôi nhà đều chung trăn trở: Nếu dời đi họ sẽ làm gì để sinh sống? Trong khi các hộ dân và cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung, thì ngôi nhà vẫn đang xuống cấp từng ngày.
Theo Tiền Phong