|
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà - nơi có 104 căn hộ xây trái phép. Ảnh: H. Khá |
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cuối năm 2016 khi phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng yêu cầu dừng ngay việc thi công.
Tuy nhiên chủ đầu tư phớt lờ, tiếp tục cho xây dựng hàng loạt căn hộ trái quy định và ồ ạt rao bán.
Bãi xe, nhà trẻ biến thành căn hộ
Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư.
Ghi nhận ngày 11/5 cho thấy công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện, trong đó có khối nhà 42 tầng thuộc hợp phần căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà đang gấp rút để kịp bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Theo giấy phép xây dựng cấp ngày 17/2/2016, dự án này cao 42 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Hồ sơ thiết kế được phê duyệt từ tầng 2 đến tầng 5 có mục đích sử dụng là để xe, nhà trẻ, khu vực sinh hoạt cộng đồng, hồ bơi, phòng tập gym.
Từ tầng 6 trở lên chủ đầu tư được phép xây dựng căn hộ để bán. Sau khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng 4 tầng (từ tầng 2 đến tầng 5) của tòa nhà.
Khi sự việc bị phát hiện, thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định: “Việc tự ý chuyển đổi nói trên là không đúng với hồ sơ thiết kế”.
Thanh tra Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công toàn bộ công trình vi phạm.
Bất chấp yêu cầu này, chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho xây dựng ngăn vách tường, lắp đặt tất cả thiết bị, biến không gian chung thành 104 căn hộ.
Ông Vũ Quang Hùng - giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết tháng 9-2016, thanh tra sở xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư do sai phạm nói trên.
Trong quyết định sở cũng gửi văn bản để UBND Q.Ngũ Hành Sơn và P.Mỹ An theo dõi, giám sát việc chấp hành ngưng thi công của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công đối với phần công trình sai phạm, nên ngày 11/4/2017 Sở Xây dựng lại đề nghị UBND P.Mỹ An lập biên bản dừng thi công, tiến tới đình chỉ thi công dự án. Sở Xây dựng cũng có báo cáo sự việc gửi UBND TP Đà Nẵng.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, ông Đậu Xuân Minh - giám đốc quản lý dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà - thừa nhận đến thời điểm này chủ đầu tư có chủ trương cho bán 104 căn hộ xây trái phép.
Vì sao Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu dừng ngay việc xây dựng nhà sai phạm nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công?
Ông Minh trả lời: “Chúng tôi cho dừng thi công cách đây một tháng. Phía bên ngoài từ tầng 2 đến tầng 5 thì thi công phần sơn màu cho đồng bộ với tòa nhà, còn bên trong dừng hẳn, đồng thời theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng, chúng tôi tuyệt đối không được giao nhà từ tầng 2 đến tầng 5 cho người mua”.
Theo ông Minh: “Hiện Cục Quản lý hoạt động xây dựng và TP Đà Nẵng cơ bản đồng ý chủ trương cho chúng tôi được điều chỉnh công năng. Hồ sơ, thủ tục khép kín hết rồi”.
Chính quyền có bảo vệ quyền lợi người mua căn hộ?
Theo ông Vũ Quang Hùng, sau khi phát hiện sai phạm của chủ đầu tư, Sở Xây dựng có công văn gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng như Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo đối với việc chuyển đổi công năng công trình.
“Căn cứ nội dung chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng mời chủ đầu tư hướng dẫn triển khai thực hiện. Chủ đầu tư đang gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng để thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh” - ông Hùng trả lời.
Như vậy, việc xây dựng trái phép 104 căn hộ, tự ý chuyển đổi công năng của chủ đầu tư đang được các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng “tạo điều kiện” theo hướng được hợp thức hóa.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về quyền lợi không gian chung của người mua nhà bị chủ đầu tư chuyển đổi công năng, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: “Trước khi cấp phép bổ sung, chủ đầu tư cần phải có giải pháp đảm bảo thực hiện việc xây dựng chỗ đậu xe, các không gian công cộng tiện ích”.
Khi được hỏi: “Lấy gì để ràng buộc nếu sau khi bán căn hộ xong, chủ đầu tư phủi tay không xây dựng bãi đỗ xe, nhà trẻ...?” thì Sở Xây dựng không có câu trả lời.
Điều đáng nói là sau khi phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư, UBND TP Đà Nẵng ngay lập tức thống nhất quy hoạch cho đầu tư xây dựng bãi xe ngầm, phía trên là công viên cây xanh kết hợp nhà trẻ phục vụ nhu cầu của người dân tại khu vực theo hình thức “xã hội hóa” trên diện tích 4.500m2, nằm cách dự án khoảng 200m.
Ngày 5/1/2017, TP Đà Nẵng ban hành quyết định giao Sở Kế hoạch và đầu tư triển khai các thủ tục liên quan để tổ chức đấu thầu dự án.
Vấn đề dư luận quan tâm là liệu lô đất 4.500m2 mà phía Mường Thanh dự kiến sẽ làm bãi giữ xe và nhà trẻ thay thế có thuộc về Mường Thanh hay không.
Theo luật thì khu đất trên phải đưa ra đấu giá thuê đất, nếu chủ đầu tư đấu giá không trúng thì lấy đất đâu làm bãi giữ xe và nhà trẻ?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tiến, phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “Nếu đấu giá không trúng thì buộc chủ đầu tư phải làm đúng ý giấy phép xây dựng đã được cấp. Đến thời điểm này TP vẫn chưa cho phép chủ đầu tư điều chỉnh dự án so với phê duyệt ban đầu”.
Nguy cơ khách hàng bị thiệt
Ông H., một khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, bức xúc nói: “Chúng tôi bỏ tiền ra mua căn hộ khi biết chủ đầu tư có bố trí đầy đủ các tiện ích như nhà giữ xe máy, nhà trẻ, khu vực sinh hoạt cộng đồng, hồ bơi, phòng tập gym.
Đó là không gian dùng chung và là tiện ích của tòa nhà mà người mua căn hộ sẽ được hưởng. Bây giờ họ tự ý cắt bỏ các tiện ích đó thì người mua căn hộ quá thiệt thòi”.
Tương tự, ông B., một người dân mua căn hộ tại dự án, nói: “Khi mua căn hộ này tôi tìm hiểu rất kỹ. Biết chủ đầu tư có đầy đủ các thiết kế cộng đồng, trường mẫu giáo, bãi giữ xe... nên tôi mới mua. Bây giờ họ cắt bỏ phần tiện ích chung đó mà không thông báo cho chúng tôi biết.
Trách nhiệm để xảy ra sự việc này thuộc về chính quyền và ngành xây dựng TP Đà Nẵng quá lỏng lẻo trong quản lý.
Nếu chủ đầu tư không khắc phục hậu quả thì những người mua căn hộ như tôi sẽ tập hợp lại để kiện tập thể chủ đầu tư ra tòa án”.
Quyền lợi bị vi phạm, nên khởi kiện chủ đầu tư
Luật sư Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Công ty luật Hoa Tiêu (Đoàn luật sư Đà Nẵng), cho biết việc chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng là làm mất không gian sinh hoạt, tiện ích chung cho một số khách hàng mua nhà từ tầng 6 trở lên. Khách hàng bị ảnh hưởng có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường.
Với các hộ đã lỡ mua nhà từ tầng 2 đến tầng 5 (nơi bị chuyển đổi công năng) nếu sau này Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì có quyền khởi kiện chủ đầu tư.
Nếu Nhà nước không cho chủ đầu tư hợp thức hóa, không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, lúc đó có thể coi chủ đầu tư có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo Hữu Khá/Tuổi trẻ