Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) được hợp nhất bởi Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội và Công ty đầu tư – tư vấn xây dựng và trở thành đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội theo Quyết định số 9078/2002/QĐ-UB ngày 31/12/2002 của UBND Thành phố Hà Nội. Ngày 24/01/2005, đơn vị này trở thành Công ty cổ phần với số vốn điều lệ là 23.736.500.000 VNĐ.
Handico 5 đã và đang triển khai các dự án Nhà ở xã hội 622 Minh Khai; Chung cư Sài Đồng Long Biên; Nhà ở xã hội Đồng Mô Đại Kim… Trong đó, dự án Nhà ở xã hội Đồng Mô Đại Kim chính là dự án khiến ông Trần Quốc Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu Cần (B41), Tổng cục tình báo, Bộ Công an (giai đoạn 2009 - 2012) - bị kỷ luật khiến dư luận chú ý. Không chỉ thế, nhiều dự án khác do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng từng dính “lùm xùm" gây xôn xao dư luận.
Nhà ở tại khu liền kề 622 Minh Khai... phá vỡ kiến trúc
Khu liền kề 622 Minh Khai thuộc Dự án Khu nhà ở, văn phòng, nhà trẻ và Trường tiểu học tại số 622 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dự án bao gồm các loại hình căn hộ cao cấp, nhà liền kề, khu nhà phố thương mại và tiện ích ngoại khu, nội khu... do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) làm Chủ đầu tư.
Các căn nhà liền kề tại dự án được xây dựng với quy mô 4 tầng, mặt tiền 5m, tổng diện tích xây dựng 292m2. Hiện dự án đã xây dựng xong phần thô và bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, thông tin đăng tải ngày 27/1/2018 trên báo GĐ&PL cho hay, sau khi nhận bàn giao nhà, một số hộ dân đã tổ chức cơi nới, sửa chữa lại nhà ở không đúng với thiết kế ban đầu. Trong đó chủ yếu là việc cơi nới ban công, đập phá tường, chia lại phòng…
|
Ban công nhà ở tại khu liền kề 622 Minh Khai được tự ý cơi nới. Ảnh: GĐ&PL. |
Theo báo GĐ&PL, việc “tự ý” sửa chữa, cơi nới, cải tạo và thay đổi kết cấu công trình, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc được phê duyệt tại đây.
Mặc dù, thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo "siết chặt kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng", thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà tại khu nhà ở liền kề số 622 Minh Khai, tình trạng hàng loạt nhà ở tự ý cải tạo, phá vỡ kiến trúc đã được phê duyệt vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý.
Tranh chấp phí bảo trì dự án Sài Đồng
Trước đó vào cuối năm 2015, báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về tình trạng tranh chấp Quỹ bảo trì nhà chung cư tại tòa N07-1 và N07-2, Khu đô thị Sài Đồng, Q. Long Biên do Handico 5 làm chủ đầu tư.
Theo phản ánh của BQT cư dân nhà N07-1 và N07-2, sau khi BQT nhà chung cư được thành lập (ngày 18/12/2014), BQT tòa nhà N07-1 và N07-2 đã có yêu cầu chủ đầu tư chuyển trả quỹ bảo trì 2% để BQT quản lý. Thế nhưng, bất chấp việc UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì theo quy định, chủ đầu tư Handico 5 vẫn chưa chịu bàn giao.
|
Tòa nhà N017-1 và N017-2, Khu đô thị Sài Đồng từng có sự tranh chấp quỹ bảo trì giữa Ban quản trị và chủ đầu tư. Ảnh: Đầu tư Bất động sản. |
Trong khi đó, theo Handico 5, việc không bàn giao quỹ bảo trì là do Công ty chưa tin tưởng vào Ban quản trị. Ông Trần Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty Handico 5 khẳng định rằng, doanh nghiệp này chỉ bàn giao nhà khi BQT lấy được ý kiến bằng văn bản có chữ ký của các chủ sở hữu căn hộ, hoặc khi cơ quan chức năng có ý kiến yêu cầu phải bàn giao quỹ bảo trì.
Tại Công văn số 522, ngày 4/12/2015 gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan, Handico 5 cho biết, doanh nghiệp đã tiến hành phát phiếu khảo sát ý kiến cư dân về việc bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà. Kết quả, trong số 75 hộ được phát phiếu, có đến 49 hộ có ý kiến không đồng ý bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị hiện thời.
Chính vì tỷ lệ cư dân không đồng ý bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị cao, nên chủ đầu tư chưa thể bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.
Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lại Thế Mân, Trưởng Ban quản trị tòa nhà cho biết, cuộc khảo sát của chủ đầu tư là thiếu khách quan. Bởi trong phiếu khảo sát, chủ đầu tư nêu việc chuyển quỹ bảo trì vào tài khoản cá nhân Trưởng Ban quản trị, chứ không phải là tài khoản đồng sở hữu mà Trưởng Ban quản trị chỉ là người đại diện. Chính việc đưa thông tin thiếu chính xác, nên kết quả khảo sát của chủ đầu tư không đáng tin cậy.
Do dó, Ban quản trị chung cư N07-1 và N07-2 đã thông qua Công ty Luật Hồng Thái có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và UBND quận Long Biên yêu cầu cưỡng chế chủ đầu tư Handico 5 bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
Gần trăm khách hàng mua nhà tại dự án Đại Kim bị lừa hơn 19 tỷ
Ngoài ra, như Kiến Thức đã đưa tin trước đó, Dự án Đại Kim (Dự án xây dựng nhà ở xã hội Đại Kim tại khu Đồng Mô, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư và phát triển nhà số 5 (Công ty Handico 5) làm chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến ông Trần Quốc Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk bị kỷ luật.
Dự án này có quy mô gồm 1 tòa nhà cao 22 tầng với tổng số 630 căn hộ. Trong số 136 căn dùng để cho thuê, 405 căn bán theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội và 89 căn bán thương mại.
|
Gần trăm khách hàng mua nhà tại dự án Đại Kim bị lừa hơn 19 tỷ. Ảnh Lê Quân/Thanh niên. |
Thông tin trên báo Gia đình Việt Nam cho hay, theo phản ánh của các khách hàng mua nhà của Công ty Việt Thái có trụ sở tại 270 Trường Chinh, P.Khương Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội, do ông Nguyễn Vũ Hùng (SN 1967, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm Tổng giám đốc, năm 2011, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Công ty Handico 5 nghiên cứu lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
Công ty Việt Thái được giao hỗ trợ một phần công việc phát triển dự án. Năm 2014, dự án được chuyển thành nhà ở xã hội do Công ty Handico 5 thực hiện với quy mô 1 tòa nhà 22 tầng. Tuy nhiên, Công ty Việt Thái đã môi giới, nhận hồ sơ xét duyệt mua nhà, thu tiền góp vốn và khoản tiền chênh lệch không có trong giá bán chính thức của hàng chục khách hàng.
Trước sức ép của khách hàng, Công ty Việt Thái chỉ gửi thông báo và hứa hẹn xin lùi thời gian ký hợp đồng. Chỉ đến khi nhiều khách hàng đến gặp trực tiếp Công ty Handico 5 (chủ đầu tư chính thức của dự án) thì mới được biết, Công ty Việt Thái chỉ là khách hàng của chủ đầu tư và không có chức năng đứng ra bán nhà hay ký hợp đồng với khách hàng. Còn ông Nguyễn Vũ Hùng cũng biệt vô âm tín.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Can - Chủ tịch HĐQT Cty Handico 5, là Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đồng Mô - cho biết, Cty Handico 5 không hứa hẹn, không ký kết bất kỳ giấy tờ nào với Công ty Việt Thái liên quan đến nhóm khách hàng mua nhà của Công ty Việt Thái.
Quá bức xúc, các khách hàng gửi đơn tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng.
Theo báo CAND, ngày 17/12/2016, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an (ANĐT - BCA) ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Vũ Hùng (sinh 50 tuổi, tại Thanh Hóa; nghề nghiệp: nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và Đầu tư Việt Thái; nguyên cán bộ Bộ Công an) về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Theo Tuổi trẻ, ông Trần Quốc Cường chính là người đã ký giấy uỷ quyền, bản cam kết cho Công ty Việt Thái được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân cho dự án nhà ở Đại Kim. Việc uỷ quyền không đúng pháp luật này đã tạo sơ hở để Nguyễn Vũ Hùng là cán bộ cấp dưới trực tiếp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Hồng Liên (Tổng hợp)