Sau khi nhận được các khoản đền bù và hỗ trợ từ dự án thủy điện Đakđrinh năm 2013-2014, với số tiền theo nhiều người "nằm mơ chục đời cũng không dám nghĩ", ngoài gửi ngân hàng để lấy lãi, mua sắm vật dụng sinh hoạt đắt tiền..., các hộ dân người thiểu số Ca Dong ở các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung (Sơn Tây) đã bỏ ra từ 400 triệu đến gần tỷ đồng để xây các ngôi nhà theo kiểu biệt thự ở tại các khu tái định cư (TĐC) mới.
|
Toàn cảnh 3/4 ngôi làng biệt thự.
|
Điều khá lạ là dù chi tiền "đống" để làm nhà mới khang trang, đẹp và hoành tráng như vậy, nhưng gần như mọi sinh hoạt hằng ngày, từ ăn, ngủ của gia chủ và thành viên đều diễn ra ở nhà sàn gỗ nhỏ làm từ vật liệu tận dụng ở nơi cũ mang về, dựng ở phía sau. Còn ngôi biệt thự phía trước thì đóng cửa im ỉm suốt ngày.
|
Những nhà được xây theo kiểu biệt thự, với số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/căn.
|
Già Đinh Văn Giêm (60 tuổi, ở khu TĐC gần trung tâm xã Sơn Liên) thủng thẳng cho biết, sau khi nhận được gần 1,5 tỷ đồng, đã bỏ ra hơn 700 triệu để xây ngôi nhà phía trước, "để lâu lâu đứa cháu học dưới xuôi về ở, còn vợ chồng già và con trai, dâu đều ăn ngủ ở nhà sàn này cho tiện".
|
Nội thất bên trong khá tiện nghi, nhưng luôn đóng cửa.
|
Không quen với cảnh sống trong nhà tường gạch, ngồi trên bộ ghế sa lông gỗ mua cả chục triệu đồng, không thể mang củi lên phòng khách hay buồng ngủ nhà mới để đốt sưởi vào ban đêm và khi mưa lạnh, hoặc nhổ toẹt nước, bã trầu xuống nền lót gạch men bóng láng... là những nguyên nhân khiến nhiều gia chủ của "biệt thự" thuộc thế hệ 7X trở về trước dựng lại nhà sàn gỗ phía sau để ở và sinh hoạt.
|
Những nhà sàn nhỏ được dựng phía sau các "biệt thự" để ở.
|
Giải thích lý do không ở nhưng vẫn bỏ nhiều trăm triệu đồng để xây nhà, theo các gia chủ là vì nhìn trên tivi thấy "nó" đẹp; để con cháu đang đi học ở dưới xuôi trở về ở không phải chịu cảnh chật chội trong nhà sàn như đời mình và "thấy người ta xây mình cũng làm"...
Không những người lớn tuổi, nhiều chủ "biệt thự" thuộc thế hệ 8X cũng thừa nhận thời gian đầu ở nhà mới thấy rất thích, nhưng sau đó lại có cảm giác không thoải mái.
|
Những ngôi nhà sàn nhỏ dựng bên cạnh biệt thự là nơi sinh hoạt chính của gia đình.
|
"Nhà mới chủ yếu là để khi nào bạn bè đến chơi, uống rượu..., còn vợ chồng và 2 đứa con nhỏ cũng dựng nhà sàn phía sau để ở" - anh Đinh Thia (29 tuổi, ở khu TĐC Sơn Long, xã Sơn Long) thừa nhận.
Chuyện xây "biệt thự" phía trước và đóng cửa, còn ăn ở là nhà sàn dựng ngay đằng sau không chỉ cá biệt hay một vài nơi, mà chiếm tỷ lệ gần như 100% ở các khu TĐC mới của người dân bị giải tỏa thuộc dự án thủy điện Đakđrinh ở Sơn Tây.
|
Mọi sinh hoạt ăn, ở hằng ngày và cả tiếp khách cũng đều diễn ra tại nhà sàn dựng ở phía sau.
|
Được biết, dự án thủy điện Đakđrinh nằm trên địa bàn 2 xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện KongPlong, tỉnh Kon Tum, có tổng công suất 125MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỷ đồng.
|
Người phụ nữ đun nấu tại khu nhà phía sau ngôi biệt thự.
|
Theo đó, ở Quảng Ngãi có khoảng 96 hộ dân nằm trong phạm vi giải tỏa thuộc huyện Sơn Tây được đưa về 4 điểm TĐC ở tại 2 xã Sơn Liên và Sơn Dung.
Theo Dân Việt