Ttrên trang mạng xã hội "PV Chung Cư Hvhc" hôm qua xuất hiện hình ảnh mảng tường của tòa nhà chung cư rơi xuống đất khiến dư luận xôn xao kèm theo thông tin: "Khoảng 13h trưa 21/10/2017, tại mặt trước chung cư HVHC, một khối tường khoảng gần 4m2 đã tự rơi từ tầng 7 chung cư xuống trước cửa quán ăn.
|
Thông tin mảng tường chung cư rơi trên mạng xã hội. |
Sau khi khoảng tường rơi xuống, rất nhiều người dân đã giật mình lao ra xem. Một số người tỏ ra lo sợ về chất lượng chung cư. Một số người cho rằng may là hiện tượng này xảy ra vào buổi trưa lúc vắng người nếu không có thể án mạng đã xảy ra. Chủ quán ăn đã gọi cho tổ quản lý ra dọn vệ sinh. 30 phút sau khi sự việc xảy ra, mọi người không thấy thành viên nào trong Ban quản lý xuất hiện".
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, sự việc mảng tường từ tầng 7 chung cư bất ngờ rơi xuống sân xảy ra vào khoảng 13h ngày 21/10, tại chung cư Học viện Hậu cần, tổ 29, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
|
Vị trí mảng tường rơi từ tầng 7 tòa chung cư. Ảnh: FB PV Chung Cư Hvhc. |
|
Khối tường khoảng gần 4m vuông rơi xuống giữa sân vỡ thành nhiều mảnh. Ảnh: FB PV Chung Cư Hvhc. |
Vị trí mảng tường rơi xuống đất nằm tại tầng 7 của tòa chung cư Học viện Hậu cần, khối tường khoảng gần 4m2.
Do thời điểm xảy ra vụ việc là giữa trưa, khu vực sân của tòa nhà ít người qua lại nên không xảy ra thiệt hại về người.
|
Người dân quét dọn khu vực tường vữa chung cư rơi xuống. Ảnh: FB PV Chung Cư Hvhc. |
Đây không phải lần đầu chung cư này xảy ra những sự cố tương tự. Trước đó, vào năm 2013, trần của khu vực hành lang tầng 18 tòa chung cư Học viện Hậu cần bị nứt, từng rơi xuống một mảng bê tông lớn, nhưng rất may thời điểm xảy ra sự cố không có người qua lại.
Ngoài ra, vào tháng 8/2013, theo
Pháp luật Việt Nam, tòa chung cư Học viện Hậu từng bị cư dân "tố" xuống cấp nghiêm trọng dù mới đi vào sử dụng được 9 tháng.
Cụ thể, tòa nhà chung cư Học viện Hậu Cần gồm 18 tầng, với 340 căn hộ, được vận hành từ cuối năm 2012. Tuy nhiên chỉ sau 9 tháng đi vào sử dụng, nhiều căn hộ của tòa chung cư có hiện tượng tường bị nứt, lở những mảng lớn. Các phụ kiện đi kèm khi mua nhà như hệ thống vệ sinh đã hư hỏng, khiến nhiều căn hộ bị rò nước...
|
Trần hành lang bong tróc. Ảnh: Hoàng Phan/PLVN. |
Theo các cư dân, khổ nhất vẫn là những ngày trời mưa. Tòa nhà không lắp cửa chớp ở hành lang, hệ thống thoát nước lại kém, vì thế, cứ mỗi cơn mưa, dù mưa nặng hay nhẹ thì nước vẫn tràn vào khắp nhà, nhất là những căn góc. Cách duy nhất xử lý tình huống “dở khóc dở cười” đó là người dân tự tìm đồ thấm nước, vì nếu quét nước ra khỏi nhà thì nước cũng lại tràn vào, không thể thoát đi đâu được.
Theo một số hộ dân, điều bất tiện xảy ra khá thường xuyên đối với những người dân đang sống ở tòa chung cư thời điểm đó có lẽ là việc sử dụng thang máy. 340 căn hộ có 4 thang máy để sử dụng. Tuy nhiên, gần như chưa bao giờ cả 4 thang đều được vận hành. Các thang máy liên tục gặp sự cố và liên tục được sửa chữa nhưng sửa xong lại hỏng hóc.
Nhiều ngày chỉ có 1 thang máy sử dụng được. Có người thấy thang hỏng báo cho nhân viên quản lý thì nhận được câu trả lời gắt gỏng: “Hỏng đâu mà hỏng”. Không ít khi thang máy đang vận hành thì gặp sự cố khiến nhiều người sử dụng mắc kẹt bên trong.
|
Thang máy thường xuyên bị hư hỏng. Ảnh: Hoàng Phan/PLVN. |
Mời độc giả đón xem video: "Bất an cảnh sống trong chung cư xuống cấp". Nguồn: LTV:
Chủ đầu tư tòa nhà là Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị BQP, được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ. Nhưng thực tế, sau khi về ở, người dân chỉ biết một vài nhân viên tự xưng là thành viên Ban quản lý Chung cư. Vì thế, những vấn đề khi muốn thắc mắc, khiếu nại, khi được hỏi đến, những thành viên này "lắc đầu" thì người dân ở chung cư học viện Hậu Cần đành "bó tay".
Bảo Ngọc