Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những vấn đề "nóng" của nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
|
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội). |
Thưa ông, có nhiều dự án nhà ở xã hội đã khởi công cách đây khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được dẫn đến nguồn cung thiếu, ông có đánh giá thế nào?
TP Hà Nội vừa qua đã chỉ đạo Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chúng tôi đang kiểm tra tình hình triển khai các dự án đã được thành phố chấp thuận về việc xây dựng nhà ở xã hội
Ngoài mục đích kiểm tra để đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án cũng để xem xét tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, quá trình chuyển đổi các luật, thủ tục… Thành phố đã chỉ đạo giao Sở Xây dựng kiểm tra thì từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ có báo cáo thành phố cụ thể về việc này.
Sở Xây dựng có kiến nghị gì để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp?
Năm 2014, Sở đã trình Thủ tướng phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của thành phố, trong đó có nội dung về nhà ở xã hội và kế hoạch của thành phố đến năm 2015 – 2020. Do đó, thành phố sẽ thực hiện trên nguyên tắc đúng theo quy hoạch và kế hoạch.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã thấy những bất cập trong chính sách tính giá nhà ở xã hội. Giá nhà ở xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thiết kế, địa chất công trình… Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước hiện hành thì giá nhà ở xã hội bằng tổng chi phí cộng 10% mức lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cách tính này đã không khuyến khích cho các nhà đầu tư giảm giá thành để các dự án nhà ở xã hội giảm giá xuống thấp bởi nếu càng giảm giá thành xuống thì 10% lợi nhuận định mức càng thấp.
Nội dung này qua triển khai thực hiện chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng có thể đề ra những khung giá để nếu nhà đầu tư nào làm thấp hơn khung giá đề ra thì được lợi nhuận cao hơn. Muốn thế phải khuyến khích chủ đầu tư áp dụng công nghệ mới, áp dụng mẫu thiết kế có sẵn để tránh được sự chênh lệch giá cao, gây bức xúc trong người dân.
Gần đây có một số dự án nhà ở xã hội công khai thu tiền đặt cọc, giữ chỗ mua nhà. Vậy, dự án nhà ở xã hội có được phép nhận tiền đặt cọc không, thưa ông?
Trong Thông tư hướng dẫn quy định có thể thỏa thuận theo hợp đồng, tiền đặt cọc không tính vào điều kiện cũng như tiêu chuẩn để người mua nhà được mua nhà ở xã hội.
Nói như vậy là nhà ở xã hội vẫn được nhận tiền đặt cọc?
Đúng, vẫn được phép thu tiền đặt cọc.
Trong khi nhà ở xã hội thì đang thiếu nhưng chất lượng của một số dự án đã hoàn thành lại đang có tình trạng xuống cấp nhanh, Sở Xây dựng có biết việc này?
Thành phố đã chỉ đạo Sở thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, hiện đang kiểm tra nên tôi chưa thể khẳng định nhà ở xã hội xuống cấp nhanh hay chậm.
Hiện có những dự án nhà ở xã hội người dân đã về ở 4-5 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa quyết toán, chưa có giá nhà chính thức mà vẫn là giá tạm tính, dẫn đến việc người dân chậm được cấp “sổ đỏ”. Vậy theo ông phải làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Chủ đầu tư xây dựng giá tạm tính để có cơ sở ký hợp đồng mua nhà giữa chủ đầu tư và người mua nhà thu nhập thấp nhưng không có quy định về thời gian phải quyết toán công trình.
Hiện chỉ mới có thời gian quy định trong vốn ngân sách thì thời gian quyết toán được thực hiện theo các cấp công trình, trong khi đó vốn ngoài ngân sách không có quy định này nên mới có chuyện nhiều dự án người dân mua nhà đã 4 -5 năm nhưng dự án vẫn chưa được chủ đầu tư quyết toán để có giá chính thức, làm cơ sở ký hợp đồng chính thức để làm sổ đỏ cho người dân.
Việc này chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng cách tính khác để tạo điều kiện cho người dân cũng như chủ đầu tư hoàn thành việc quyết toán công trình, hoàn thiện việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infornet