Từ ngày 1/7, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) chính thức có hiệu lực. Theo đó, chủ đầu tư phải mua phí bảo lãnh cho khách hàng mua nhà qua ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa chủ đầu tư chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai khi đã có bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng.
Nếu chủ đầu tư không thể bàn giao theo đúng cam kết thì phía ngân hàng bảo lãnh phải có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ số tiền ứng trước cùng những khoản tiền khác cho các khách hàng theo trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở cũng như hợp đồng bảo lãnh đã ký kết. Điều luật này giúp khách hàng tin tưởng hơn khi góp vốn cho chủ đầu tư vẫn có cơ sở để nhận lại số tiền. Việc "siết" chặt kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án chậm tiến độ, dự án “bánh vẽ” hoặc “ôm” tiền của khách hàng mà không có bất kỳ động thái xây dựng nào.
Mặc dù đây là quy định nhằm tăng tính trách nhiệm, loại bỏ hình thức kinh doanh ảo của chủ đầu tư, song còn nhiều ý kiến băn khoăn khi luật chính thức có hiệu lực. Trong đó, các doanh nghiệp BĐS – đối tượng chính chấp hành đóng mức phí lên tiếng.
|
Hình minh họa. |
Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng nếu như phí bảo lãnh BĐS đưa vào thực tế sẽ tăng thêm gánh nặng đối với chủ đầu tư khi triển khai thực hiện dự án. Gánh nặng về nguồn vốn, giá vật liệu xây dựng, giải tỏa…. cộng thêm phí bảo lãnh sẽ đẩy mức giá bán căn hộ tăng cao và người tiêu dùng sẽ là những người phải dốc hầu bao nhiều hơn trước.
Theo tính toán của một số chủ đầu tư, nếu phí bảo lãnh khoảng 2%, một dự án nhà ở định bán ra thị trường với giá ban đầu là 30 triệu đồng/m2, thì sau khi cộng phí bảo lãnh sẽ tăng lên thành 30,6 triệu đồng/m2.
Trả lời với báo chí về sự việc này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu GP.Invest cho hay, doanh nghiệp đã liên lạc với một số ngân hàng và được biết có thể mức phí bảo lãnh mà các ngân hàng dự kiến thu khoảng 1-2% tổng mức đầu tư dự án. Nếu phải nộp khoản phí này thì giá bán dự án sẽ được phân bổ lại. Dù chưa có hướng dẫn luật cụ thể, nhưng theo ông Hiệp ước tính mức phí bảo lãnh sẽ khiến giá bán căn hộ tăng lên mức từ 400.000 – 600.000 đồng/m2.
Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc thi hành luật này, song trên báo Tiền Phong, ông Trần Văn Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Handico 68 cho biết: “Giả sử, với căn hộ trị giá 2 tỷ đồng, ngân hàng tính 2% (tương đương với phí bảo trì) tổng trị giá căn hộ sẽ làm tăng mỗi căn hộ lên hàng trăm triệu đồng. Chi phí này buộc chủ đầu tư phải đưa vào giá bán căn hộ và sẽ làm đội giá thành”.
Điều luật quản lý bất động sản này khiến các chủ đầu tư bất động sản “nhấp nhổm” phần nào thì người tiêu dùng lại có phần đồng tình, chấp thuận. Một số ý kiến tuy quan ngại về việc tăng giá nhà nhưng cho rằng việc đảm bảo an toàn khi mua nhà là quan trọng nhất. Sau hàng loạt những dự án “bánh vẽ” khiến người mua mất trắng cả tỷ đồng thì việc ngân hàng có thể bảo lãnh rủi ro cho khách hàng sẽ khiến họ yên tâm hơn.
Bàn về vấn đề này, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng những thay đổi này không chỉ giúp bảo vệ người mua, còn giúp thị trường bất động sản thanh lọc được những đối tượng đầu tư yếu kém, không đủ năng lực.
Ngọc Linh (tổng hợp)