|
Hàng loạt dự án bị bỏ hoang tại Mê Linh. Ảnh: Công Luận. |
Thông tin từ các cơ quan báo chí cho biết, trong gần 2.000 ha đất dự án khu đô thị bị bỏ hoang ở Mê Linh, Hà Nội, có 47 dự án được giao đất nhiều năm về trước. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn bị bỏ hoang. Trong số đó, có 35 dự án còn chưa giải phóng mặt bằng xong, thậm chí đất dự án trở thành bãi cỏ mọc um tùm.
Theo một số chủ đầu tư, nguyên nhân khiến các dự án dở dang là phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 do thay đổi dự án chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội và những khó khăn về giải phóng mặt bằng đã khiến cho dự án bị chậm tiến độ.
Các dự án bỏ hoang tập trung ở các xã Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm. Trong đó, xã Tiền Phong được cho là nơi tập trung nhiều dự án nhất, khoảng 20 dự án, có quy mô hàng trăm ha. Thậm chí có những dự án chỉ còn diện tích rất ít chưa giải phóng mặt bằng cũng viện vào lý do đó để nói về việc chậm trễ của dự án.
Có thể kể một số dự án vẫn đang bỏ hoang và gây lãng phí như: Dự án Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Sơn hơn 60 ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt có quy mô 24,3 ha; Khu đô thị Minh Giang Đầm Và của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; Dự án Làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Dự án Làng hoa Quốc tế Tiền Phong gần 30ha; Dự án KĐT CEO (21ha); Dự án Diamon Park (14ha); Phúc Việt; River Land; Chi Đông; Khu đô thị mới Hà Phong; Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2; Dự án Khu đô thị Việt Á, Dự án KĐT AIC...
Trong số đó, có những dự án nổi bật về quy mô cũng như mức độ lãng phí.
Theo 24h.com.vn, tình trạng Khu đô thị mới Hà Phong rộng hơn 41 ha (xã Tiền Phong) được tận dụng nguồn lợi từ đất nông nghiệp của người dân địa phương cách đây hàng chục năm. Nhóm cổ đông là Pacific Corporation làm chủ đầu tư. Đây là dự án nằm trong quần thể Khu đô thị Bắc Thăng Long, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, có đến 20ha được dùng xây 444 căn biệt thự và 279 căn liền kề, 3 ha xây chung cư cao tầng, văn phòng. Diện tích đất còn lại được dùng để xây công viên và hạ tầng giao thông. Thế nhưng, các biệt thự mới chỉ xây xong phần thô. Quang cảnh dự án là cỏ mọc um tùm.
|
Khu đô thị mới Hà Phong với những căn biệt thự mới xây xong phần thô. Ảnh 24h.com.vn. |
Trường hợp khác là Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (xã Đại Thịnh) của chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị đầu tư xây dựng có quy mô 55ha với tổng mức tổng kinh phí là 1.846 tỷ đồng. Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ tháng 5/2011, dự diến hoàn thành vào quý 2/2015. Tuy nhiên, dự án dường như bị chủ đầu tư lãng quên.
|
Hiện trạng của Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2. Ảnh: 24h.com.vn. |
Theo tìm hiểu, Dự án Khu đô thị Việt Á (xã Thanh Lâm) của chủ đầu tư là Công ty Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á. Dự án này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định giao hơn 23 ha đất. Tuy nhiên, đã hơn chục năm qua, dự án này vẫn chưa cắm mốc giới thực địa.
Theo Cafeland.vn, Dự án KĐT AIC (hơn 90ha) của Công ty AIC, theo dự tính, tổng diện tích quy hoạch là 943,209 m2, trong đó có 14% là đất đường giao thông đô thị, 5% là diện tích cây xanh và bãi đỗ xe. Đất xây dựng trường học, nhà trẻ, mẫu giáo khoảng 6,2%. Riêng đất nhà ở chiếm đến 45% bao gồm đất chung cư cao tầng khoảng 27,9 nghìn m2, đất biệt thự gần 338 nghìn m2, đất nhà liền kề koảng 18 nghìn m2, đường nội bộ gần 45 nghìn m2. Diện tích đất còn lại là đất hỗn hợp, đất công cộng, nhà văn hóa...
Đó là chuyện quy hoạch, còn thực tế, khu đô thị này lại là một cánh đồng rộng lớn hoang vu được người dân tận dụng để trồng rau, trồng chuối và các loại hoa màu khác.
|
Dự án KĐT AIC được người dân tận dụng làm nơi trồng hoa. Ảnh cafeland.vn. |
Có 8 trường hợp bị Thành phố 10 lần mời lên đối thoại nhưng chủ đầu tư vẫn vắng mặt. 38 trường hợp vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng.
Thông tin trên Công Luận, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với các bộ ngành để có câu trả lời thỏa đáng cho các chủ đầu tư. Thế nhưng, việc thị trường bất động sản bị đóng băng và rớt giá trong thời gian dài khiến cho các chủ đầu tư không còn "mặn mà".
Thế Hoàng (tổng hợp)