Dự án 1A Láng Hạ chậm tiến độ, kinh doanh sai phép: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Với việc chậm tiến độ hơn 5 năm và kinh doanh dịch vụ trông giữ xe khi giấy phép đã hết hạn, theo luật chủ đầu tư dự án 1A Láng Hạ sẽ bị xử phạt như thế nào?

Liên quan đến vụ việc dự án 1A Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Láng Hạ làm chủ đầu tư được cấp phép xây dựng từ cách đây 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, hiện khu đất dự án được tận dụng để kinh doanh dịch vụ trông giữ xe trái phép (giấy phép kinh doanh dịch vụ trông giữ xe đã hết hạn hồi cuối năm 2015), dư luận băn khoăn liệu với hành vi này, theo luật chủ đầu tư sẽ bị xử phạt như thế nào, việc dự án chậm tiến độ như trên thì có bị thu hồi, rút vốn và cần có chế tài xử lý ra sao?
Trao đổi với Kiến Thức về các vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay, việc doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh dịch vụ trông giữ xe tại khu đất xây dự án 1A Láng Hạ trong khi giấy phép tạm kinh doanh đã hết hạn là vi phạm quy định của pháp luật tại điểm a, khoản 1 Điều 14 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Theo đó hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức.
 
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 cũng quy định ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Về vấn đề dự án bất động sản chậm tiến độ như thế nào sẽ bị thu hồi, cắt vốn, với dự án 1A Láng Hạ hơn 5 năm không được triển khai xây dựng thì cần xử lý như thế nào..., Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, Khoản 12 Điều 38 Luật đất đai 2003 quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó: “Trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì sẽ bị thu hồi đất”.
Luật đất đai năm 2013 đã quy định chi tiết hơn về trường hợp thu hồi đất do chậm thực hiện dự án. Theo điểm I, khoản 1 Điều 64 thì: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời gian gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
 
Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai.
Điều 15. Các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất
1. Các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai, gồm:
a) Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường;
b) Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh;
c) Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;
d) Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm được quy định như sau:
a) Trường hợp dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì cho phép chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng tính từ tháng thứ 13 kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa;
b) Trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng.
Trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất theo tiến độ thì việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng được áp dụng đối với từng phần diện tích đất đó; thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất đó.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật đất đai thì việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Đối với dự án 1A Láng Hạ hơn 5 năm không được triển khai thì Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai để làm căn cứ ra quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
Minh Hiếu