|
Lô đất 1152-1154 đường Láng rục rịch khởi động sau nhiều năm "phủ mền, đắp chiếu". |
Lô đất 1152- 1154 đường Láng trước đây là trụ sở của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội.
Năm 2006, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đã ký biên bản thỏa thuận với các bên liên quan làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 6.046,4 m2 đất này và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng tổ hợp văn phòng cao tầng.
Theo thỏa thuận ban đầu giữa Handico 6 và Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Dự án là tổ hợp dịch vụ và văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, đến khi có Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000283 do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ký ngày 7/4/2009, Dự án đã có thêm chức năng nhà ở cho thuê. Đến khi có Giấy phép xây dựng số 51/GPXD do Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ ký ngày 25/4/2011, Dự án đã trở thành Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê, với quy mô 25 tầng cao, 3 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật và tầng thượng, áp mái.
Trước đó, năm 2005, Handico 6 đã liên doanh với một số tổ chức, cá nhân để thành lập Công ty cổ phần Tân Phú Long với mục đích thực hiện dự án trên.
Theo tài liệu của PV Nhadautu.vn, Công ty cổ phần Tân Phú Long ban đầu có vốn điều lệ 23 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập ban đầu chỉ góp 56% vốn điều lệ, cụ thể: Handico 6 góp 30%; Công ty cổ phần Hoàng Cầu góp 1%; Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Vân Nam góp 5%; Công ty TNHH thương mại Việt Mỹ góp 3% và Trương Hữu Thắng góp 17%.
Đến tháng 11/2011, Công ty cổ phần Tân Phú Long tăng vốn điều lệ lên 33 tỷ đồng. 4 cổ đông sáng lập ban đầu đều thoái sạch vốn chỉ còn lại Handico 6 vẫn nắm 30% vốn điều lệ. Lúc này, có sự xuất hiện của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) với tỷ lệ sở hữu 69% và Công ty Bất động sản An Cư chiếm 1%.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/11/2013, các cổ đông chính của Tân Phú Long đã thống nhất thay đổi thiết kế Dự án, với nhiệm vụ là “chuyển đổi lại thiết kế của Dự án từ 1 tòa văn phòng, 1 tòa chung cư thành 2 tòa chung cư; thay đổi từ 3 tầng hầm thành 4 tầng hầm; hạn chế tối đa các diện tích phụ, diện tích thừa”. Đồng thời, “tuyển chọn lại đơn vị thiết kế có năng lực, uy tín, có quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Sở Quy hoạch - Kiến trúc” để triển khai Dự án. Lúc này, dự án có tên thương mại là Twin Tower.
Thế nhưng, nhiều năm sau đó dự án Twin Tower vẫn không có dấu hiệu triển khai. Năm 2017, dự án này từng bị một số khách hàng tố việc chủ đầu tư huy động tiền nhưng không thực hiện.
Tại Đại hội cổ đông 2018 của MIC, Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội đã quyết định thoái vốn khỏi dự án này. Và theo nguồn tin mới nhất thì MIC đã hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Tân Phú Long.
Trong những ngày đầu năm 2019, trên lô đất 1152-1154 đường Láng, máy móc bắt đầu thi công, tại đây xuất hiện một tấm bảng dự án. Theo thông tin trên tấm bảng, cái tên Twin Tower không còn tồn tại. Thay vào đó là cái tên Lancaster, đây là thương hiệu các dự án của Tập đoàn Trung Thủy. Rất có thể, Trung Thủy Group đã mua lại cổ phần của MIC tại Tân Phú Long?
Đồng thời, Công ty cổ phần Tân Phú Long cũng có sự thay đổi người đại diện pháp luật.
Chi tiết các thương vụ chuyển nhượng không được tiết lộ. Song, nếu Trung Thủy Group thâu tóm dự án 1152-1154 đường Láng dưới hình thức mua cổ phần của Công ty cổ phần Tân Phú Long, thì hơn 6.000m2 đất vàng nhà nước đã lọt tay tư nhân.
Theo Thủy Tiên/Nhà Đầu Tư