Được quảng bá một cách rầm rộ với cam kết nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, nhiều dự án bất động sản mang tham vọng sẽ gây tiếng vang lớn trên thị trường địa ốc. Tuy nhiên, sau gần chục năm được cấp phép, nhiều dự án bất động sản vẫn trong tình trạng quây rào bỏ trống hay sử dụng sai mục đích, hoặc "đang xin giấy phép bổ sung" khiến người dân bức xúc...
Dự án khách sạn 9 năm quây tôn làm bãi đỗ xe
Theo thông tin trên VnMedia, Dự án Xây dựng khu Văn phòng và khách sạn Sông Hồng có diện tích 1.600m2 thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm do Công ty Cổ phần Sông Hồng làm chủ đầu tư đã được UBND Thành phố cho thuê đất tại quyết định số 2057/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 nhưng cho đến nay, sau 9 năm, khu đất vẫn đang là đất trống được chủ đầu tư cho quây tôn rào bao quanh, chưa đầu tư xây dựng công trình mà được dùng làm bãi đỗ xe ô tô.
|
Siêu dự án sông Hồng. |
Trước thực tế này, cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị Thành phố xem xét, thu hồi dự án để xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cho biết đã chỉ đạo Sở TN&MT và UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các thông tin liên quan đến dự án Khách sạn Sông Hồng để tổ chức thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Dự án Bãi Biển Rồng 8 năm là một khu đất hoang
Ngoài dự án bất động sản trên, dự án Bãi Biển Rồng (tỉnh Quảng Nam) cũng là một kiểu dự án tỷ đô “đầu voi, đuôi chuột”. Thông tin trên báo Đầu tư Bất động sản cho hay, Dự án Bãi Biển Rồng có diện tích 400 ha, nằm ở vị trí đắc địa nhất khu ven biển, nối giữa Đà Nẵng và Hội An.
Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 4,15 tỷ USD gồm nhiều hạng mục như hệ thống khách sạn 5 sao, công viên sát bãi biển, 9 tổ hợp khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế 10.000 chỗ ngồi, khu biệt thự và căn hộ cao cấp...
Cách đây 8 năm, siêu dự án này đã được Tano Captial, LLC (Mỹ) công bố rầm rộ, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá về du lịch biển tại tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, sau đó, nhà đầu tư nước ngoài này đã không chịu nộp tiền ký quỹ, không triển khai xây dựng buộc UBND tỉnh Quảng Nam phải đưa ra quyết định thu hồi giấy phép. Kết quả là siêu dự án này chỉ còn lại một khu đất hoang vu.
Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH u Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) và đồng ý để doanh nghiệp này nghiên cứu, xem xét khởi động lại Dự án Bãi Biển Rồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về thời điểm triển khai lại dự án này.
Dự án Khu đô thị quốc tế Đại học Quốc tế Việt Nam 8 năm vẫn là đồng cỏ
Cũng trong tình cảnh tương tự, theo cafeland.vn, Dự án Khu đô thị quốc tế Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) do Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư có diện tích đất 925 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD, được chia làm bốn khu chức năng: giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp và khu công viên cây xanh.
|
Phối cảnh dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) - Ảnh nguồn: cafeland |
Dự án này được công bố rầm rộ vào 8 năm trước với tư cách là tư cách là dự án đầu tư trước tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép vào TP.HCM và được chính quyền Thành phố đặt nhiều kỳ vọng.
Song sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư, hiện VIUT vẫn chỉ là đồng cỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà của những hộ dân chưa di dời khỏi khu quy hoạch. Và đây không phải là siêu dự án dang dở duy nhất của Berjaya tại Việt Nam.
Dự án Trung tâm thương mại Trương Định 7 năm vẫn "đang xin giấy phép"
Cũng liên quan đến các dự án chậm triển khai, thông tin trên VnMedia cho biết, dự án xây dựng Trung tâm thương mại tại số 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai tồn tại rất lâu nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện, gây lãng phí đất.
Cụ thể, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 946/QĐ-UB ngày 22/2/2005 và Quyết định số 6501/QĐ-UB ngày 20/9/2005 về việc cho Công ty Bách hóa Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) thuê 442m2 đất tại ngõ 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai để xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ Trương Định.
Sau khi hoàn thành thủ tục sáp nhập Công ty Bách Hóa Hà Nội vào Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tổng Công ty này đã ban hành Quyết định về việc thay đổi chủ đầu tư sang Công ty mẹ này. Công trình đã được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 12/2006, được sở Xây dựng gia hạn lần 1 năm 2007, gia hạn lần 2 năm 2008, sau đó khởi công vào tháng 7/2009.
|
Dự án trung tâm thương mại và dịch vụ Trương Định dừng thi công từ năm 2009 - Ảnh nguồn: http://bizlive.vn |
Ngày 6/10/2009, Sở QHKT đã có văn bản chấp thuận bổ sung tầng hầm và tăng chiều cao lên 28m + khu vực tum thang 3 m. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng tầng hầm khi chưa điều chỉnh Giấy phép xây dựng nên ngày 10/12/2009, Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ngừng thi công xây dựng công trình.
Tiếp đó, ngày 11/12/2009, UBND quận Hoàng Mai có quyết định đình chỉ thi công công trình và ngày 22/12/2009 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do xây dựng sai phép tại thời điểm làm việc công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế bố sung cho công trình.
Ngày 8/0/2010, Công ty nộp phạt 30 triệu đồng. Ngày 10/3/2010, UBND phường Tương Mai tiếp tục lập biên bản đề nghị công ty dừng thi công công trình cho đến khi xuất trình Hồ sơ giấy phép bổ sung mới được thi công tiếp.
Kể từ thời điểm Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai kiểm tra, lập biên bản và xử phạt, Tổng Công ty thương mại Hà Nội đã ngừng toàn bộ việc xây dựng để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép bổ sung theo yêu cầu, đồng thời nộp tiền thuê đất.
Tuy nhiên, sau gần 7 năm, dự án vẫn đang ở trong tình trạng dừng thi công với hiện trạng xây thô đến tầng 4 và “đang hoàn thiện hồ sơ xin phép bổ sung cho dự án.”
Trước thực tế đó, ngày 28/9/2016, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo giao sở TN&MT xem xét đề nghị của UBND quận Hoàng Mai về việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đó, cử tri đề nghị Thành phố có phương án thu hồi dự án để bàn giao cho Quận đầu tư các công trình công cộng nếu hết năm 2016 mà dự án không triển khai.
Dự án trường mầm non Vườn Xanh 6 năm làm nơi tập kết rác
Thông tin trên VnMedia còn cho biết thêm, cũng tại quận Nam Từ Liêm, dự án trường mầm non Vườn Xanh tại ô đất diện tích gần 4.400m2 thuộc khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm do trường Mầm non Vườn Xanh làm chủ đầu tư được UBND Thành phố cho thuê đất tại quyết định số 5417/QĐ-UBND ngày 20/10/2009. Ngày 4/11/2010, Trường đã được sở TN&MT ký Hợp đồng thuê đất.
Như vậy là kể từ khi được ký hợp đồng đến nay đã là 6 năm nhưng hiện trạng khu đất đang là đất trống, chủ đầu tư cho xây tường bao quanh, chưa đầu tư xây công trình mặc dù khu đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nơi này đã trở thành nơi tập kết rác thải gây mất vệ sinh môi trường, không đảm bảo mỹ quan đô thị.
Trước thực tế này, nhân dân quận Nam Từ Liêm có đề nghị đến Thành phố thu hồi để xây dựng chợ, các thiết chế công phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương. Tuy nhiên, UBND Thành phố cho biết, theo đề nghị của Sở TN&MT ngày 8/9/2016 về việc cho phép tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại ô đất NT, khu đô thị mới Mỹ Đình.
Ngày 29/9/2016, UBND Thành phố đã có văn bản đồng ý về chủ trương với đề nghị này, đồng thời giao sở TN&MT, sở KH&ĐT, UBND quận Nam Từ Liêm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trường mầm non tư thục Vườn Xanh của chủ đầu tư theo đúng các quy định, đảm bảo tiến độ.
Trên chỉ là một số nhỏ trong hàng chục dự án “nằm đắp chiếu” hiện nay. Mặc dù không thể phủ nhận sức hấp dẫn một thời của các dự án đối với chính quyền và những người mua nhà. Song, có vẻ sự hào hứng đã dần nguội đi theo những lời hứa suông cộng với những “chiêu trò” của nó khi được đầu tư….
Hồng Liên (tổng hợp)