Điểm lại loạt sai phạm của chung cư mạ vàng Hòa Bình Green City

Google News

(Kiến Thức) - Được quảng cáo là chung cư dát vàng tiêu chuẩn 6 sao hiếm hoi ở Hà Nội nhưng Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại không ít lần vướng "lùm xùm" khiến cư dân bức xúc. 
 

Đỉnh điểm là hôm qua, ngày 1/7, bất chấp thời tiết nắng nóng như đổ lửa,  hàng trăm cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City vẫn tập trung căng băng rôn để đòi quyền lợi khi bỏ ra hàng tỷ đồng mua chung cư cao cấp, nhưng những gì nhận được lại không như chủ đầu tư đã “quảng cáo” như chất lượng xuống cấp, việc bảo hành bảo trì theo hợp đồng chậm chạp, các tiện ích của dân cư bị cắt giảm. Đặc biệt, rất nhiều người dân vẫn bị nợ sổ đỏ.
Điều đáng nói là đây không phải lần đầu chung cư cao cấp này gây bức xúc dư luận. Kiến Thức điểm lại những "lùm xùm" đầy tai tiếng của Hòa Bình Green City.
Xây dựng không phép…
Dự án Hòa Bình Green City là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại. Hòa Bình Green City được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha. Dự án do Công ty TNHH Hòa Bình (ông Nguyễn Hữu Đường giữ chức Chủ tịch HĐQT) và Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư. Vào đầu tháng 10/2011, dự án được chào bán chính thức trên thị trường.

Ảnh: Internet. 
Thế nhưng, sau đó không lâu, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ do công trình xây dựng không phép vào tháng 2/2013. Thông tin này từng được ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng xác nhận trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 30/11/2015. Tuy nhiên, đến tháng 4/2013, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục thuế Hà Nội về biện pháp giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án Hòa Bình Green City theo hướng tạm cấp trích lục bản đồ làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật. 

UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm khẩn trương liên hệ với Cục thuế Hà Nội để làm thủ tục giãn tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án và có cam kết thực hiện theo đúng quy định. Chủ đầu tư cũng phải liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất thực hiện dự án.
“Chơi ngông” xây chùa trên tầng thượng
Chủ đầu tư Dự án Hòa Bình Green City cũng từng bị tố cáo ngang nhiên xây dựng 2 ngôi chùa không phép trên nóc tòa nhà cao 27 tầng vào cuối năm 2015. Theo phản ánh của báo Kinh tế nông thôn, ngày 31/5/2016, UBND thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án Hòa Bình Green City (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/6/2016.
Ngày 9/6/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có Công văn số 588/UBND-VP gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo về dự án Hòa Bình Green City. Theo công văn này dự án Hòa Bình Green City được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 10/4/2013 quy mô 2 tòa nhà 27 tầng, có 3 tầng hầm, độ cao đến đỉnh mái là 93m.
Thời điểm này, trên nóc tòa tầng 27 của tòa nhà CT01 xây dựng thêm một gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 6/2014.
Tại vị trí nóc tầng 27 của tòa nhà CT02 cũng đã xây 1 gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 2/2015. Cả hai hạng mục trên đều không nằm trong nội dung được cấp phép xây dựng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, 2 công trình nói trên không có trong danh sách quản lý của Sở và cũng không được Sở chấp thuận cho xây dựng.
Làm nứt nhà dân
Cũng liên quan các  đến các vụ việc tai tiếng của Hòa Bình Green City, phản ánh với báo điện tử VnMedia, bà Dương Thị Chung (trú tại số 40 tổ 26 phường Vĩnh Tuy cũ, nay là số nhà 547 Minh Khai, tổ dân phố 2A - Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, gia đình bà luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sập nhà, do việc xây dựng dự án Hòa Bình Green City khiến nhà bị lún, nứt. 
Khi tòa nhà Hòa Bình Green City chưa xây dựng thì toàn bộ ngôi nhà mà hộ gia đình bà Chung đang sinh sống ổn định, không có hiện tượng nứt nẻ, nghiêng lún. Nhưng từ khi chủ đầu tư Công ty TNHH Hòa Bình triển khai xây dựng Hòa Bình Green City, khu nhà 35 tầng phía tây giáp với ngôi nhà gia đình bà đang sinh sống, thì toàn bộ tường ngôi nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.
Đặc biệt là sau khi chủ đầu tư tiến hành đào móng và ép cọc bê tông để xây dựng khu chung cư Hòa Bình Green City, thì bên trong và bên ngoài ngôi nhà đã bị nứt, biến dạng rất nghiêm trọng. Toàn bộ mặt sàn khu tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà đều bị thấm dột. Khu vực tầng 2 nhà bà xuất hiện rất nhiều các vết nứt ngang, dọc khiến cả gia đình đều lo lắng khi hàng ngày vẫn phải tiếp tục sinh sống tại đây. Thời điểm đó, khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư Hòa Bình Green City và gia đình bà Chung đã làm việc nhiều lần để xem giải quyết vấn đề nhưng vẫn không thống nhất được mức đền bù.

Nợ quỹ bảo trì, sổ đỏ cư dân, chất lượng nhà xuống cấp
Không chỉ trong quá trình xây dựng mà sau khi đã bàn giao nhà cho người dân, chung cư Hòa Bình Green City lại tiếp tục dính "lùm xùm".
Theo thông tin trên Dân Việt, ngày 1/7, bức xúc trước hàng loạt các vấn đề đang tồn tại ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, hàng trăm cư dân Dự án Hòa Bình Green City bất chấp cái nắng nóng ngoài trời hơn 40 độ C tập trung treo băng rôn với nhiều nội dung yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ cho cư dân, cũng như yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch chi phí và quỹ bảo trì. 
Theo đó, Dự án Hòa Bình Green City 505 Minh Khai đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Để sở hữu căn hộ tại đây, các gia đình phải trả hơn hàng tỷ đồng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Thế nhưng, hiện tại, phần lớn cư dân ở hai tòa tháp H1 và H2 chung cư Hòa Bình Green City vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sở đất, tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Rất nhiều ý kiến của cư dân phản ánh trong các cuộc họp với Ban quản lý và Chủ đầu tư nhưng đều bị chìm theo những lời hứa hẹn.
Báo Dân Việt dẫn lời của anh Duy, một cư dân sống tại tầng 9 của tòa H2 cho biết, để sở hữu căn hộ mình đang sống, gia đình anh phải trả ra hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, thế nhưng đã hơn 3 năm chưa nhận được sổ hồng.
Bên cạnh việc không cấp sổ hồng, cư dân chung cư cao cấp này còn tố cáo Chủ đầu tư hàng loạt các vi phạm liên quan việc: chây ì thành lập Ban quản trị, chiến dụng quỹ bảo trì và cắt giảm tiện ích dịch vụ tòa nhà…
Chất lượng dịch vụ của tòa nhà ngày càng xuống cấp, việc bảo hành bảo trì theo hợp đồng chậm chạp, cùng với đó là có lộ trình cắt giảm các tiện ích của dân cư. Cụ thể, mặc dù trời nắng nóng 39-40 độ C nhưng điều hòa ở sảnh bị cắt, điện hành lang cũng cắt, thông gió tầng hầm cũng cắt… khiến cư dân mất hết sự kiên nhẫn.
Ngoài ra, cư dân đã về sinh sống 3 năm nay nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị. Chính vì thế mà số tiền quỹ bảo trì theo ước tính của cư dân là khoảng 40 tỷ đồng vẫn đang do chủ đầu tư nắm giữ. Nhiều cư dân đặt ra nghi vấn, liệu việc chây ì thành lập ban quản trị có phải để “ém” số tiền quỹ bảo trì khổng lồ này hay không?
Tuệ Anh (tổng hợp)