Bên lề phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Zing.vn trao đổi với các đại biểu về dự thảo luật thuế tài sản, theo đó các mức thuế sẽ áp dụng với nhà ở trên 700 triệu đồng và ôtô trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên.
Tránh thuế chồng thuế
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết ông chỉ biết thông tin qua báo chí và chưa nghiên cứu vấn đề này.
Tuy nhiên ông Thanh nói rằng chủ trương đánh thuế tài sản là cần thiết và đã có từ lâu. Thuế tài sản sẽ góp phần tạo công bằng xã hội. Nhưng vị này nhấn mạnh Việt Nam có đặc thù riêng nên cần cân nhắc rất kỹ mức thuế.
|
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc kỹ về mức thuế đánh vào nhà ở. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Muốn mở rộng nguồn thu ra nhưng làm ảnh hưởng đến người dân thì phải cân nhắc và đánh giá tác động. Nếu thu thuế nhà ở mức 700 triệu đồng thì phải xem xét bao nhiêu gia đình chịu ảnh hưởng. 1 tỷ đồng hay 2 tỷ đồng cũng cần cân nhắc bởi nó tác động đến nhiều yếu tố như thị trường, kinh tế, mua bán bất động sản…”, ông Thanh nói.
Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt câu hỏi về cơ sở cho mức sàn áp thuế.
“Đồng ý đánh thuế là nguồn thu nhưng liên quan nhiều yếu tố, nhiều vấn đề. Cơ sở nào đưa ra mức đóng thuế từ 700 triệu đồng cũng phải tính, sao không phải là con số khác mà là 700 triệu đồng. Cần cân nhắc và đánh giá tác động các đối tượng chịu trực tiếp, chủ sở hữu nhà ở", bà Thúy nói.
|
Vấn đề minh bạch các khoản thuế mà người dân đóng góp cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Đại biểu Quốc hội đến từ Đà Nẵng cũng cho rằng cần rà soát các thứ thuế khác để tránh thuế chồng thuế. Ngoài ra, cũng cần xem xét vấn đề thủ tục hành chính khi áp dụng Luật Thuế tài sản.
“Cần xem xét khi đánh thuế kéo theo thủ tục hành chính có làm tăng chi phí cho xã hội không và tăng như thế nào... Phải thật thận trọng và toàn diện”, bà Thúy nói.
Minh bạch để dân không thấy bất an
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính có đưa ra so sánh với các nước trên thế giới nhưng cũng cần xem xét đặc thù và thực tiễn của Việt Nam.
“Các nước trên thế giới thì đánh thuế tài sản rất đồng bộ. Ở đó đất và nhà thuộc sở hữu của người dân. Ở Việt Nam đất thuộc sở hữu toàn dân, vậy đánh thuế như thế nào với đất, như thế nào với nhà thì cần xem xét thật kỹ”, bà Khánh nói.
|
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Ở một góc độ khác, bà Khánh cho rằng việc quản lý tài sản công ở Việt Nam còn yếu kém, có những đại án làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng như chưa thể thu hồi. Do đó, người dân cảm thấy bất an khi phải đóng thuế và mong muốn được công khai minh bạch các khoản thuế mà mình đóng góp.
“Cần có tính công khai minh bạch, tiền thuế của dân được sử dụng như thế nào. Ở nước mình, ngay cả Đại biểu quốc hội cũng không biết tiền thuế của dân đã được sử dụng như thế nào có hiệu quả hay không. Rất nhiều người nói chưa được hiệu quả. Người dân cảm thấy bất an khi phải đóng thuế như thế”, bà Khánh thẳng thắn nói.
Đại biểu Quốc hội đến từ Hà Nội cũng cho rằng khi người dân đang có nhiều ý kiến phản hồi về đề xuất của Bộ Tài chính, do đó bộ này và các bộ ngành liên quan cũng cần nghiên cứu xem xét, cho ý kiến phản hồi. Cần xem xét khi đưa ra luật có an dân hay không, ý kiến của người dân đã hợp lý chưa, nên tiếp thu như thế nào.
Trước đó, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.
Bên cạnh đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... cũng sẽ bị đánh thuế. Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Theo Hiếu Công/Zing