Chủ đầu tư Ciputra phớt lờ cư dân khi xin điều chỉnh quy hoạch?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, trong đơn xin điều chỉnh, chuyển đổi quy hoạch - kiến trúc ở một số ô đất thuộc khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2, chủ đầu tư Ciputra đã đề nghị một số ô đất được quy hoạch năm 2004 để xây dựng các tòa nhà cao tầng chuyển xuống làm nhà thấp tầng và một số lô đất vốn quy hoạch nhà cao tầng nay lại cao hơn... Ngoài ra, một số ô đất vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chủ đầu tư xin chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà cao tầng. Một số ô đất vốn có chức năng làm bãi đỗ xe tập trung thì đơn vị này xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, trồng cây xanh…
|
Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội), nơi cư dân đang bức xúc tột độ về việc chủ đầu tư Ciputra phớt lờ ý kiến của người dân trong việc xin điều chỉnh quy hoạch KĐT Ciputra.. |
Tại thông báo kết luận ngày 27/2/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất tại Ciputra giai đoạn 2. Tuy nhiên lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh, tại một số ô đất yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội báo cáo, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện… Trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh, phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, theo cư dân đang sinh sống tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần 2 của chủ đầu tư, họ phát hiện ra đơn vị này từng nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch các ô đất khác nhau mà không lấy ý kiến người dân. Điều này khiến cư dân vô cùng bức xúc.
Cư dân Ciputra phản đối quy hoạch kiểu "bóc lột" hạ tầng
Nhiều người dân Ciputra sau đó phản đối gay gắt đề xuất "xé" quy hoạch khu đô thị Ciputra vì cho rằng đề nghị của chủ đầu tư là “không có căn cứ pháp lý”.
|
Một số đại diện cư dân tổ dân phố khu đô thị Nam Thăng Long họp bàn vào tối 17/5/2019, trước việc chủ đầu tư Ciputra đề xuất xin thay đổi quy hoạch, sau đó là giữ nguyên quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long. |
“Nội dung điều chỉnh quy hoạch như trên thực chất chỉ là thay đổi quy hoạch phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh và kiếm lời nhiều hơn nữa của chủ đầu tư Ciputra”, bà Trần Thị Xuyên (tổ trưởng dân phố Nam Thăng Long) nhấn mạnh.
Theo bà Xuyên, việc điều chỉnh đã vi phạm Điều 47, 49, Luật Quy hoạch đô thị. Cụ thể, căn cứ vào Điều 47, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chỉ được thực hiện khi có một trong các trường hợp: “Có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên và địa giới hành chính làm ảnh hướng lớn đến tính chất chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch”, bà Xuyên viện dẫn.
Tương tự, ông Đỗ Đức Du (77 tuổi, trú tại 15T6 khu đô thị Nam Thăng Long) nghi ngờ chủ đầu tư Ciputra xin điều chỉnh quy hoạch để phục vụ “lợi ích nhóm, chứ không vì lợi ích của cộng đồng cư dân đang và sẽ sinh sống ở Ciputra”.
Cư dân tổ dân phố Ciputra cũng cho rằng, việc quy hoạch gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và môi trường, vì khi điều chỉnh thì dân số có thể tăng lên gấp đôi quy hoạch cũ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi. “Đó là điều cấm kỵ đối với việc phát triển đô thị đang quá tải hiện nay. Do đó, cư dân chúng tôi quyết liệt phản đối phương án quy hoạch theo kiểu bóc lột hạ tầng như đã nêu trên”, một cư dân Ciputra khác chia sẻ.
|
Chủ đầu tư Ciputra đã chuyển nhượng nhiều lô đất tại Ciputra. Ảnh internet. |
Vimedimex đóng góp gì trong việc "xé" quy hoạch Ciputra?
Tối 27/6/2019, một số đại diện cư dân Ciputra tiếp tục ngồi lại với nhau để họp bàn về việc chủ đầu tư định "xé" quy hoạch tại khu đô thị này.
Tại buổi họp bàn, các cư dân Ciputra nhấn mạnh rất rõ việc chủ đầu tư không chỉ đề nghị điều chỉnh quy hoạch - kiến trúc một số ô đất thuộc KĐT Ciputra giai đoạn 2, phớt lờ ý kiến của cư dân nhiều lần, mà ngay ở giai đoạn 3 chủ đầu tư cũng phớt lờ tương tự.
"Các lô đất đã được chủ đầu tư bán cho các doanh nghiệp loạn hết cả lên, cư dân chúng tôi vô cùng bức xúc...", một cư dân Ciputra ngán ngẩm.
|
Lô đất TM01 tại KĐT Ciputra (mũi tên đỏ). |
Theo tìm hiểu của PV, mới đây, tại Ciputra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex (Vimedimex Group) đã ký hợp đồng mua lô đất ký hiệu TM01, nguồn vốn từ một ngân hàng tư nhân tài trợ, với tài sản bảo đảm là quyền lợi phát sinh từ việc kinh doanh trên lô đất. Thông tin về thương vụ mua bán này sau khi bị “rò rỉ” ra ngoài khiến người dân hồ nghi: Vimedinex có góp phần “xé nát” quy hoạch khu đô thị đẳng cấp bậc nhất Hà Nội Ciputra?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, lô đất ký hiệu TM01 tại Ciputra có diện tích rộng gần 20.000 m2, nằm sát đường Võ Chí Công. Trong quy hoạch giai đoạn 3 của Ciputra, lô đất này có chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp…, với mật độ xây dựng khoảng 37,2%, cao tối đa 31 tầng.
Cuối năm ngoái, chủ đầu tư Ciputra đã có văn bản đề xuất gửi Bộ Xây dựng nhằm điều chỉnh chức năng lô đất TM01 gồm căn hộ du lịch, văn phòng lưu trú với cam kết sử dụng kinh doanh lưu trú du lịch ngắn hạn, không hình thành đơn vị ở và tăng chiều cao lên tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng khối cao tầng tối đa 40%.
Tuy nhiên, do việc điều chỉnh chức năng thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội nên Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư Ciputra căn cứ theo các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình thương mại - dịch vụ để báo cáo cơ quan chức năng.
Hiện, các công trình chưa được xây dựng trên lô đất xin phép, song đã có hiện tượng quảng cáo trên mạng. "Bây giờ Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex chưa xây cái gì lên lô đất TM01 mà mới quảng cáo lên mạng là xây nhà cao tầng...", một cư dân Ciputra thông tin.
Ngoài lô đất trên, đầu năm 2019, Vimedimex Group còn đặt cọc để mua lại các lô đất ở Ciputra với ký hiệu lần lượt là: CT05, CT06 có tổng diện tích 59.629 m2. Đây cũng là các lô đất nằm trong quy hoạch giai đoạn 3 của Ciputra.
Đến thời điểm hiện tại, do gặp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân Ciputra, nên chủ đầu tư Ciputra gửi văn bản sang Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Theo đó, chủ đầu tư bất ngờ đề nghị không điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND TP Hà Nội. Chủ đầu tư đề xuất giữ nguyên hiện trạng một số ô đất đã xin điều chỉnh quy hoạch.
Song, dù cho chủ đầu tư Ciputra đã gửi văn bản, cư dân vẫn tiếp tục đấu tranh. “Chúng tôi không tin ở Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long nữa. Nói đúng ra cư dân là một phần chủ của quy hoạch ở Ciputra, nhưng chủ đầu tư không hề nói gì với cư dân, không xin ý kiến cộng đồng mà đã xây hàng loạt công trình…”, đại diện cư dân Ciputra nhấn mạnh.
Được biết, ngày 25/6/2019, vừa qua, cư dân Ciputra đã có "đơn kiến nghị khẩn cấp"gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ, đề nghị: "Thanh tra việc thực hiện, chấp hành pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị Nam Thăng Long của UBND TP Hà Nội và các Sở, ngành liên quan do có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị".
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.
Bảo Ngân