Công ty cổ phần Tasco được thành lập từ năm 1971. Hiện vốn điều lệ của công ty là hơn 2.686 tỷ đồng, ông Phạm Quang Dũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tasco. Cùng với các dự án BOT thì bất động sản cũng là lĩnh vực được Tasco chú trọng.
|
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco. Ảnh: Internet. |
Theo VnMedia, hiện Tasco sở hữu hàng loạt dự án bất động sản lớn như: Dự án Foresa Villa; Dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân; Dự án Xuân Phương Residence; Dự án Nhà ở cho CBVN Bộ Ngoại giao.
Trong đó đáng chú ý là dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương có tên là Foresa Villa có quy mô 38ha gồm 813 căn nhà ở thấp tầng. Tổng mức đầu tư lên tới 2.850 tỷ đồng; Dự án Xuân Phương Residence với tổng mức đầu tư là 1.100 tỷ đồng có diện tích 3,95 ha, gồm 6 tòa chung cư cao 17 tầng, 126 căn nhà liền kề, 642 căn hộ chung cư; Dự án Nhà ở cho CBVN Bộ Ngoại giao với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ có diện tích 13.770m2, gồm 2 tòa 27 tầng, 800 căn hộ chung cư.
Bên cạnh đó, Tasco còn xây dựng khu đô thị Mỹ Đình – Nam Từ Liêm (Hà Nội) với mức đầu tư “khủng” 3.500 tỷ đồng với quy mô lên tới 49 ha, gồm 400 căn hộ thấp tầng.
Với hàng loạt bất động sản có quy mô và số vốn đầu tư "khủng", Tasco khiến cho nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng phải kính nể.
Tuy vậy, trong số các dự án của Tasco, không ít đã vướng "lùm xùm", gây xôn xao dư luận.
Theo Tạp chí Mặt Trận, Dự án Xuân Phương Residence (đường Trần Hữu Dực kéo dài, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là tổ hợp gồm 6 tòa nhà chung cư cao 17 tầng và 126 căn liền kề được xây dựng trên quy mô diện tích đất rộng gần 4ha. Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển khu đô thị mới của quận Nam Từ Liêm.
|
Phối cảnh dự án Xuân Phương Residence. Ảnh: Internet. |
Tuy nhiên, tại dự án này xuất hiện hàng loạt ngôi nhà xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu mà thay đổi kết cấu, phá nát quy hoạch đô thị. Một số lô còn được đập thông các sàn bê tông, phá dỡ diện tích ban công tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4,cCơi nới, mở rộng diện tích sân, cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, xây tường… trái phép.
|
Những ngôi nhà bị phá bỏ ban công, cấy dầm, dựng cột bê tông hình thành “chuồng cọp” ngay giữa khu đô thị hiện đại. Ảnh: Tạp chí Mặt trận.
|
Dự án khác cũng tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là Khu đô thị sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa). Đây
là khu đô thị sinh thái gồm 813 căn nhà ở thấp tầng (biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, nhà shop house) với tổng mức đầu tư hơn 2.850 tỷ đồng.
Được giới thiệu với nhiều lời có cánh song hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề tai đây lại nghiễm nhiên thay đổi thiết kế, “băm nát” bộ mặt cả khu đô thị.
Thông tin trên Báo Xây dựng cho biết, thời điểm tháng 6/2018,
không giống những căn biệt thự khác trong khu đô thị được xây dựng kết cấu 3 tầng, 1 tầng áp mái thì tại vị trí lô BT9-1 trong ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) lại hình thành một “biệt phủ” nguy nga, tráng lệ có kiến trúc khác biệt hoàn toàn. Tòa “lâu đài” sở hữu tới 3 mặt tiền được thiết kế xây dựng theo phong cách châu Âu trong một khuôn viên rộng hàng trăm m2 với rất nhiều chi tiết cầu kỳ, bắt mắt.
Không gian thông thoáng của các nhà liền kề đã bị chiếm dụng gây mất mỹ quan và làm cho quy hoạch của khu biệt thự bị phá vỡ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các ngôi nhà liền kề. Trong khi đó, quá trình xây dựng kéo dài nhiều tháng trời, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn xây dựng gây ảnh hưởng chung tới cả khu dân cư trong khu đô thị.
|
Một “biệt phủ” tại vị trí lô BT9-1 nguy nga, tráng lệ được xây giữa Khu sinh thái Foresa Villa của TASCO. Ảnh: Báo Xây dựng.
|
Việc xây dựng phá vỡ quy hoạch là chiếm dụng không gian thông thoáng của các căn nhà liền kề. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng kéo dài, không có che phủ cẩn thận gây ra ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn và ảnh hưởng tới khu dân cư trong khu đô thị.
Chính điều này đã khiến dư luận bức xúc đặt ra câu hỏi liệu chính quyền sở tại có “nhắm mắt làm ngơ” cho hành vi sai trái?
Trước những phản ứng của dư luận, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã yêu cầu UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý, báo cáo kết quả về UBND thành phố.
Tuy được coi là lĩnh vực chủ chốt bên cạnh BOT song doanh thu bất động sản của Tasco sụt giảm lớn trong năm 2018. Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu, bất động sản giảm đến 68%, chỉ còn 426 tỷ đồng (doanh thu bất động sản 2017 là hơn 1.300 tỷ đồng).
Thông tin trên báo chí, Tasco lý giải sự sụt giảm doanh thu từ bất động sản là do các dựa án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Thế Hoàng (tổng hợp)