Chị gái Đà Nẵng kể chuyện ‘cò đất’ kiếm 700 triệu/ngày

Google News

Giá đất Đà Nẵng “điên cuồng”, giao dịch chóng mặt, hoa hồng mỗi tháng bằng vài năm đi làm đã khiến nhiều người bỏ việc chuyên môn, đi làm nghề tay ngang là “cò đất”.

Để tìm hiểu về hậu trường câu chuyện sốt đất Đà Nẵng thời gian gần đây, tôi đã quyết định thâm nhập và làm quen với môi giới tên Vân Trang. Vốn là dân văn phòng, nhưng sau 1 lần tham gia sự kiện mở bán, chị Trang đã quyết định nghỉ việc để xin đi làm "cò đất".
Bỏ việc văn phòng đi làm “cò đất”
Chị kể, lần đó, chị vô cùng ấn tượng và ngưỡng mộ một bạn nhân viên kinh doanh với 30 giao dịch trong một ngày. Nhẩm tính, với mức hoa hồng trung bình 1% trên giá bán, giá trị mỗi nền đất ở Đà Nẵng trung bình từ 2 tỷ đến 3 tỷ, số tiền hoa hồng hòm hòm cũng 700 triệu, bằng 5 năm tiền lương cày cuốc. Sau nhiều ngày suy nghĩ rồi chị nộp đơn thôi việc, bước ngoặt làm “cò đất” bắt đầu.
Chi gai Da Nang ke chuyen ‘co dat’ kiem 700 trieu/ngay
 
Để bán được hàng không hề đơn giản, nhìn người ta bán thấy ham, nhưng lúc vào mới thấy phức tạp. Vậy nên, theo chị Trang, chiêu trò, mánh khóe cũng rất quan trọng và nó phụ thuộc vào “đạo đức nghề nghiệp” của mỗi người.
Chiêu khá phổ biến trong giới đó là “ép giá với người bán, tạo sốt với người mua”. Những câu như “khu đó giờ nhiều người bán”, “lô này khó bán”, “giá này cứng quá” và đặc biệt “bán đi, đất xuống rồi sao”, thành cửa miệng khi nói chuyện với người bán. Nhiều người bán cũng nắm rõ “bài” của “cò”, nên lắm khi “cò” cũng nhiều phen bẽ mặt với chiêu này.
Chị kể, có người gửi đất bán và biết có khách muốn đặt cọc, nhưng để kiếm thêm, “cò” gọi lại ép giá. Chủ nhà liền nhờ người bạn gọi xem và trả giá thì “cò” nói “có người trả cao hơn mà chủ chưa bán, họ đang đợi đặt cọc nè, em cho anh xem tin nhắn nè”.
Có nhiều trường hợp mua đất từ xa và thiếu kinh nghiệm, họ thường hay mắc chiêu gửi bản đồ quy hoạch không thể hiện việc “dính cống, dính trụ”. Mua phải những nền này xem như mắc cạn, lâu hay nhanh còn phụ thuộc vào độ nóng của thị trường và mức chốt lời là bao nhiêu.
“Cò” cũng mắc bẫy
Không phải khi nào “cò” cũng qua mặt được người mua. Chị Hà Thu, đồng nghiệp cùng công ty của chị Trang, cho biết, tiền trăm triệu để sẵn trong xe, khi có những lô “thơm”, “cò” cứng nghề cũng kiêm luôn nhà đầu tư đất. Nếu thấy được giá, “cò” có thể đặt cọc ngay và chào bán ngay sau đó. Họ chấp nhận mất cọc nếu hết thời hạn mà chưa tìm được người mua mới.
Chị kể, có nền đất chủ cần tiền bán giá hời, “cò” đặt cọc ngay 200 triệu và chào bán lại. Khoảng 2 ngày sau, có người đồng ý mua với giá chênh lệch tới 500 triệu nhưng hẹn đặt cọc vào hôm sau. Đêm đó, người mua đến xem đất thì vô tình gặp chủ đất. Nói dăm ba chuyện mới ra là chủ đất mới nhận cọc nhưng chưa làm thủ tục công chứng sang tên.
Người mua ngay lập tức thỏa thuận giá bán với chính chủ, cam kết đền cọc và trả thêm 100 triệu. Hôm sau, cũng chính người mua đó lại nhờ một người bạn đặt cọc với người “cò” kia. Một ngày sau, chủ nhà gọi báo “không bán nữa”, “cò” vỡ mộng nhưng vẫn còn may mắn vì đã không yêu cầu đặt cọc nhiều hơn số tiền 200 triệu. Số tiền chủ đất đền cọc 200 triệu vừa đủ để “cò” đền cọc cho người khách vừa đặt cọc cho “cò” này. Người mua đất cuối cùng chỉ trả chênh 100 triệu, thay vì chênh 500 triệu khi mua qua “cò”.
Ngoài rủi ro mất tiền, theo chị Thu, nghề này đôi khi cũng bị chính đồng nghiệp hoặc những kẻ đầu cơ đất lợi dụng. Họ được cập nhật những thông tin sai lệch về quy hoạch, nhằm tạo luồng thông tin giả, gây sốt ảo, nhằm “chạy hàng”. Nếu không tìm hiểu kĩ thông tin thì vô tình “cò” cũng là người góp phần làm giá đất tăng và cũng chính họ là nạn nhân nếu rút không kịp.
Chụp giật dễ bị đào thải
Vào nghề chưa lâu, nhưng chị Vân Trang có được may mắn được những người đi trước nhiều kinh nghiệm truyền nghề và làm việc bằng tâm huyết. Được đào tạo bài bản về kỹ năng mềm, kỹ năng chốt sale, am hiểu thị trường, nhưng theo chị không nên bán sản phẩm bằng mọi giá. Điều quan trọng để sống được với nghề này là phải tạo ra giá trị cho khách hàng. Nếu làm được điều này, tư vấn đúng nhu cầu, khách hàng sẽ đồng hành với mình. Càng làm lâu, lượng khách hàng đồng hành càng nhiều, khi bạn bè họ có nhu cầu mua bán họ cũng giới thiệu qua. Chỉ có chân thành mới tạo nên sự tin cậy.
Chị nói, phần lớn những người làm cò đất luôn có tư tưởng tranh thủ đất sốt kiếm ít tiền. Chính tư tưởng đó làm họ bất chấp mọi chiêu trò. Nhưng đó cũng chính lí do khiến họ không có khách hàng lâu dài. Làm môi giới bất động sản cũng là một nghề cần nhìn xa trông rộng, vì nhu cầu mua bán luôn có ở mọi thời điểm.
“Khách hàng tiềm năng mang tính lâu dài là những người tiên quyết đến thu nhập chính của mình. Những khách hàng này thường không có ngay mà phải tích lũy qua quá trình làm việc. Đến nay, tôi có chưa đến 20 khách hàng như thế, sau một thời làm nghề. Họ là những người tôi thu được hoa hồng cả bán lẫn mua một trên một nền đất, một tháng có những khách hàng có thể giao dịch đến 10 lần”, chị Trang nói.
“Cò cũng là nghề có thể gắn bó lâu dài với ai có cái nhìn thấu đáo về nó. Nó yêu cầu người làm nghề có kỹ năng, có tâm và có đạo đức nghề nghiệp như bao nghề khác”, chị Trang chia sẻ.
Theo Hoàng Anh/VNN