Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) về vấn đề nói trên.
|
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, Thuận Kiều Plaza không phải là câu chuyện bất động sản đơn thuần. |
- Trong bối cảnh bất động sản đang phục hồi và Thuận Kiều Plaza nằm ở "đất vàng" TP HCM trùm mền gần 2 thập kỷ, ông đánh giá như thế nào về quyết định sửa chữa thay vì đập bỏ hoàn toàn dự án này?
- Theo tôi, tất cả chúng ta không ai có thể thay thế chủ đầu tư để quyết định nên hay không nên làm điều gì với tài sản của họ. Chính chủ đầu tư sẽ là người cân nhắc, đánh giá nhu cầu của thị trường để quyết định phương án khai thác Thuận Kiều Plaza sao cho hiệu quả nhất.
Thay thế Thuận Kiều Plaza bằng một thương hiệu mới là có lợi hay khoác lên một bộ áo mới với những trùng tu sửa chữa là đúng đắn? Chỉ có chủ đầu tư mới là người quyết định câu trả lời.
Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng, họ sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bởi bản chất, Thuận Kiều Plaza không phải là câu chuyện buôn bán bất động sản đơn thuần.
- Đâu là những yếu tố khiến cho chủ đầu tư phải cân nhắc khi đưa ra quyết định sửa chữa, nâng cấp tòa nhà?
- TP HCM ngày nay là sự thống nhất của ba địa giới hành chính cũ là thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn (quận 5, quận 6, quận 11) và tỉnh Gia Định (quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân).
Thực tế, Thuận Kiều Plaza mang tính chất biểu tượng của thành phố Chợ Lớn trong quá khứ. Công trình này được coi như hình tượng của sự thịnh vượng trong văn hóa cộng đồng người Việt gốc Hoa còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Đây là yếu tố mà chưa ai đề cập đến trong câu chuyện của Thuận Kiều Plaza. Người ta xoay quanh các vấn đề thiết kế, phong thủy, thậm chí mê tín dị đoan, nhưng ý nghĩa văn hóa gắn liền với một thời kỳ quá khứ, lịch sử của TP HCM thì chưa được chú ý đến.
Nhìn về quá khứ, Ngân hàng Việt Hoa là dấu ấn khi Chợ Lớn là trung tâm tài chính của người Việt gốc Hoa. Tuy nhiên, ngân hàng này đã bị khai tử.
Còn với đơn vị được cho là sẽ tiếp quản Thuận Kiều Plaza là Vạn Thịnh Phát, họ đã có Times Square ở quận 1 rất hiện đại và có tính tượng trưng, nhưng đây là khu vực Sài Gòn cũ. Với Chợ Lớn, họ đã sở hữu những công trình đặc thù như Winsor Plaza, khu An Đông... Nhưng thực sự, chính công trình "trùm mền" 20 năm mới là tượng đài lớn nhất cho một ký ức đẹp của người Hoa tại Việt Nam.
- Và câu chuyện sâu xa đằng sau Thuận Kiều Plaza là thế nào, thưa ông?
- Bản thân chúng ta phải thừa nhận rằng cộng đồng người Hoa ở Việt Nam là lớn, có bản sắc riêng. Miễn là sự phát triển của họ đồng hành với sự phát triển của đất nước, gắn liền với lợi ích dân tộc Việt Nam, thì chúng ta phải tôn trọng điều đó.
Sẽ không ai can thiệp được vào câu chuyện về số phận của Thuận Kiều Plaza cùng đơn vị mới sẽ tiếp quản. Chỉ có điều, chủ đầu tư mới, dù chọn phương án sửa chữa nâng cấp hay phá dỡ xây dựng mới, đều có một ý nghĩa quan trọng là làm sống dậy một dự án tưởng như đã chết gần 20 năm nay.
Điều đó đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế, bộ mặt của TP HCM nói riêng và đất nước nói chung.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hồ Xuân Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư An Đông (tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho biết, đơn vị này đang xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp Thuận Kiều Plaza. Theo đó, phương án phá bỏ hoàn toàn, thay vào đó một dự án hiện đại đã không được chủ đầu tư lựa chọn.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29/10, Sở Xây dựng TP HCM cho biết đơn vị này chưa nhận được phương án sửa chữa hay tháo dỡ tòa nhà Thuận Kiều ở quận 5.