Bên trong khu đô thị của Becamex Bình Dương bị tố lừa khách hàng

Google News

Khu đô thị Mỹ Phước 4 thuộc TX. Bến Cát (tỉnh Bình Dương) của Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương thuộc Tập đoàn Becamex đến nay vẫn tan hoang sau gần 10 năm triển khai dự án.

Trong khi khách hàng mua đất nơi đây đã “khóc ròng” bởi đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đô thị tiêu chuẩn Singapore mà như bãi đất trống
Trong quy hoạch khu dân cư Mỹ Phước 4, và công nghệ cao Mỹ Phước 4 – Bình Dương là dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Với quy hoạch khu dân dư được xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore tọa lạc ngay mặt tiền Đại lộ Hùng Vương.
 Mỹ Phước 4 được chia làm 5 khu, bao gồm biệt thự, nhà phố liên kết, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và nhiều tiện ích khác như công viên cây xanh, trường học, bệnh viện… Nhưng sau gần 10 năm chỉ là bãi đất trống.

 Theo quy hoạch Khu đô thị Mỹ Phước 4 có tổng diện tích 952 ha. Trong đó, diện tích cây xanh và các công trình công cộng chiếm 56%. Do đó, khu Mỹ Phước 4 được giới bất động sản ví von sẽ là một đô thị xanh, không khói trong tương lai và là nơi đáng sống.

 Thế nhưng, trở lại khu đô thị Mỹ Phước 4, nơi từng gây chấn động bởi cơn sốt đất nay trở nên hoang vắng, cỏ cây mọc xum xuê. Nhiều người đã phải “khóc ròng” khi bỏ tiền mua đất tại dự án này.

 Những lời mời chào có cánh, chủ đầu tư khu đô thị này là Công ty TDC thuộc Tổng công ty Becamex Bình Dương lâu nay được mệnh danh là "ông trùm" bất động sản nhưng thực tế lại khác ra.

 Nhiều năm nay dự án vẫn án binh bất động, nhiều khu bỏ hoang lâu năm dù trải qua nhiều cơn sốt đất.

 Vẫn là cỏ mọc um tùm.

 Khi phân lô bán nền, đơn vị này hứa sẽ giao giấy chứng nhận ngay cho khách nếu thanh toán đủ tiền và đúng tiến độ. Cam kết là vậy, nhưng trên thực tế hàng trăm khách hàng bỏ tiền mua đất tại khu đô thị này sau gần 10 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ dù đã thanh toán đủ tiền theo yêu cầu.

 Nhiều khách hàng mua đất ở dự án của Becamex Bình Dương vẫn dở khóc dở cười.

 Trong khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (gọi tắt là TDC thuộc tập đoàn Becamex) vẫn hứa hẹn và không biết bao giờ mới có.
Khách hàng ngậm đắng, chủ đầu tư thì phủi trách nhiệm
Theo tìm hiểu của PV, tại dự án khu đô thị Mỹ Phước 4 vẫn còn hàng trăm khách hàng mua đất nhưng chưa được cấp sổ mặc dù đã đóng đủ tiền theo yêu cầu. Trước đây, khi mở bán dự án, Công ty TDC dùng chiêu “dụ” khách bằng cách giới thiệu rằng trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ được dời về đây. Thế nhưng, sau khi hầu hết dự án khu đô thị Mỹ Phước 4 được bán hết cho khách hàng thì trường học vẫn chưa thấy xây dựng.
 TDC gửi thư xin gia hạn cấp sổ đỏ.
Trong số những khách hàng mua đất tại đây, có nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP. HCM...., họ đã phải bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc để từ các tỉnh xa xôi đến Bình Dương đòi quyền lợi. Tuy nhiên, khi đến Công ty TDC có trụ sở tại đường Đồng Khởi, TP. Mới Bình Dương thì nhân viên không cho tiếp cận lãnh đạo. Lễ tân tại cửa Công ty TDC chỉ nói với khách hàng sẽ tiếp nhận phản ánh rồi trình để lãnh đạo xem. “Chúng tôi bức xúc phản ánh, họ cứ hứa suông. Tôi bỏ tiền mua đất nhưng lại phải lụy họ “bố thí” giấy tờ”, một khách hàng bức xúc.
Không chỉ ở khu đô thị Mỹ Phước 4, khách hàng mua đất chưa nhận được sổ, hàng trăm khách hàng mua đất tại Công ty Becamex và Công ty Cổ phần Bóng Đá bán từ năm 2012 cũng chưa được cấp sổ. Những người dân đang sinh sống tại khu định cư Việt Sing (thuộc phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết họ “điêu đứng” trong hành trình đi “đòi” quyền lợi chính đáng của mình. “Tập đoàn Becamex mang tiếng là “ông trùm” bất động sản nhưng lại kinh doanh thu tiền mà không có trách nhiệm với khách hàng, vi phạm các điều khoản và cam kết với người mua nhà”, một khách hàng nói trong sự thất vọng.
Trong khi đó, lý giải việc chậm cấp sổ đỏ cho khách hàng tại khu định cư Việt Sing, ông Nguyễn Văn Hoàng- Phó TGĐ Becamex cho biết, nguyên nhân khách quan chính là Luật Đất đai thay đổi. Theo ông, Luật Đất đai 2013 quy định, muốn cấp sổ thì dự án phải hoàn thiện xong hệ thống cơ sở hạ tầng. Với một dự án lớn, khi người dân chưa vào ở hết thì công ty cân nhắc việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, do sợ bị hư hỏng trong quá trình xây dựng nhà ở, hoặc không có người vào ở các công trình phụ sẽ bị hư hỏng, lãng phí.
Theo các Luật sư, việc chủ đầu tư đưa lý do trên là không thỏa đáng, không có trách nhiệm với khách hàng. Bởi theo hợp đồng mua bán đất giữa khách hàng với TDC, phía công ty cam kết với khách hàng sau 60 - 90 ngày ký chuyển nhượng, thanh toán 5% còn lại bên bán sẽ trao “sổ đỏ”. Thế nhưng, trên thực tế khách hàng đóng đủ tiền theo cam kết nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giao “sổ đỏ”.

Theo Hương Chi/Tiền Phong