Báo cáo Thủ tướng thu hồi hai dự án của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Google News

Hai dự án tỷ USD từng quá nhiều tai tiếng và gây bức xúc dư luận của Tập đoàn Tân Tạo do cựu Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ đầu tư gồm Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du.

Bao cao Thu tuong thu hoi hai du an cua ba Dang Thi Hoang Yen
 Dự án Nhiệt điện Kiến Lương của Tập đoàn Tân Tạo.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc thu hồi 2 dự án tỷ đô của Tập đoàn Tân Tạo.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần đề xuất phương án cụ thể để báo cáo Thủ tướng vào tháng 9 tới.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cùng UBND tỉnh Kiên Giang làm việc với nhà đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du để rà soát, xem xét kỹ các phương án giải quyết thu hồi Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tới.
Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư từ năm 2008, dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 là một trong những dự án trọng điểm của cả nước và tỉnh Kiên Giang.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha; trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm diện tích khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, do quá trình chuẩn bị đầu tư rất chậm do chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án. Chính phủ đã có những tháo gỡ cụ thể nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án như chuyển hình thức đầu tư dự án sang hình thức Hợp đồng BOT với các cam kết bảo lãnh của Chính phủ.
Trước đó, ngày 7/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du, tỉnh Kiên Giang.
Được biết, ngày 08/4/2008, Hợp đồng lập DAĐT dự án NMĐ Kiên Lương 1 đã được ký kết giữa Tập đoàn Tân Tạo và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện các Bộ ngành Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Kiên Lương là một trong năm TTĐL đốt than xem xét phát triển trong khu vực phía Nam, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (TSĐ 6) giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng trong khu vực cũng như của hệ thống điện toàn quốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước dự kiến với mức tăng trưởng cao và cho trường hợp tăng trưởng đột biến về điện.
Chính Phủ đã có văn bản cho phép Tập Đoàn Tân Tạo lập dự án đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy điện 4400MW và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Để triển khai chủ trương trên, Tập đoàn Tân Tạo đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương và ký hợp đồng tư vấn với Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 và lập qui hoạch tổng thể Trung Tâm Điện Lực Kiên Lương với qui mô công suất khoảng 4400MW.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2011, Chủ đầu tư đã không triển khai dự án gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tác động đến đời sống nhân dân, tạo dư luận không tốt cho công tác quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhân dân địa phương nơi có dự án đã có ý kiến không đồng tình với việc triển khai Trung tâm Điện lực Kiên Lương do lo ngại việc thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và ngành nghề du lịch và phát triển thương mại, nuôi trồng thủy hải sản.
Năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy nhiệt điện than Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 xét triển vọng đến năm 2030.
Trong khi đó, Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du có vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với công suất 12 triệu T/năm (than) và 5 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp), tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 80.000 DWT.Giai đoạn 2 là 50 triệu T/năm (than) và 12 triệu T/năm (hàng tổng hợp), tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 150.000-200.000 DWT.
Đây cũng là một trong 2 dự án do Tập đoàn Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ đầu tư.
Theo Nguyễn Trang/Nhà Đầu Tư