Bé sinh trong tình trạng vỡ ối non, nhiễm trùng ối rất khó cứu sống. Nhiễm trùng ối còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của sản phụ. Mẹ cần chú ý nếu bị rỉ ối, màng ối mòn dần, cảm giác như bị són tiểu. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, mẹ nên đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sỹ chuyên khoa phụ sản.
Nhiễm trùng đường tiết niệu. Đó là trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể mẹ qua con đường niệu đạo. Trong thời gian mang thai, thai nhi lớn dần, tạo sự chèn ép, làm giãn đài bể thận, gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Từ đó gây nhiễm khuẩn niệu đạo, viêm bàng quang hoặc lan đến thận, gây viêm thận – bể thận cấp.
Dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian mang thai dễ nhận biết. Mẹ đi tiểu nhiều lần, cả ban ngày lẫn ban đêm, lúc nào cũng buồn tiểu dữ dội và khi tiểu có cảm giác nóng, rát, đau. Nghiêm trọng hơn, mẹ có thể đi tiểu ra máu và sốt cao, đau lưng, mạch đạp nhanh, mệt mỏi, ngủ li bì, phù nề toàn thân. Trường hợp nặng, mẹ bầu có thể suy thận cấp, sảy thai, thai chết lưu, băng huyết, nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng Cytomegalovirus (CMV). Cytomegalovirus là một loại virus cự bào (tên gọi tắt là CMV) ít được nhắc đến như Rubella, cúm, nên không ít bà mẹ hoàn toàn không biết đến, nhưng nó là một nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi. CMV thuộc họ virus Herpes.
Với người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì việc nhiễm virus CMV hầu như không gây nên bất kỳ ảnh hưởng nào lớn đến sức khỏe nhưng với người đang có hệ miễn dịch suy giảm và với phụ nữ mang thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu) thì việc nhiễm CMV lại là cả một việc nghiêm trọng. Người mẹ bị nhiễm CMV có thể lây truyền sang thai nhi dẫn đến hậu quả là thai nhi bị mất thính giác, giảm thị lực và các khuyết tật khác.
Nhiễm trùng Toxoplasmosis. Bệnh nhiễm trùng này là do một loại ký sinh trùng toxoplasma gây ra. Loại kí sinh trùng này được tìm thấy trong phân mèo, đất và thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín. Người mẹ bị nhiễm toxoplasma có thể lây sang cho con, gây ra mất thính giác, khiếm thị, hoặc thiểu năng trí tuệ ở thai nhi.
Bệnh có thể có các triệu chứng như nhiễm cúm hoặc không có triệu chứng cụ thể nào rõ ràng. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm toxoplasma bằng cách: Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm đất hoặc thịt sống; Rửa tay trước khi ăn; Nấu chín thịt hoàn toàn; Rửa dụng cụ nấu ăn với nước xà phòng nóng; Tránh tiếp xúc với phân mèo, lông mèo...
Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (Group B strep - GBS). Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của phụ nữ khỏe mạnh. Cứ 4 người phụ nữ thì 1 người có vi khuẩn này. GBS thường không gây hại cho bạn, nhưng khi bạn có thai và nhiễm liên cầu khuẩn này, nó có thể lây truyền sang bé trong quá trình chuyển dạ, sinh nở và thậm chí gây tử vong cho em bé.
Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial vaginosis -BV). Đây là loại nhiễm trùng âm đạo rất phổ biến ở chị em mang thai. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm trùng này là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trú ngụ trong âm đạo. Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể khiến người mẹ sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân khi được sinh ra.
Nếu thấy có xác triệu chứng trên khi đang có thai, bạn nên ngừng việc quan hệ tình dục và đi khám sớm. Dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
Bệnh Rubella. Bệnh Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức (German measles), gây ra do virus Rubella lây truyền qua không khí, truyền từ người này sang người khác đường hô hấp. Ở thai phụ, Rubella có thể gây Hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ, bao gồm: chậm phát triển, tật nhỏ đầu, đục thủy tinh thể, bệnh tim bẩm sinh, điếc, chậm phát triển trí tuệ. Thai phụ nhiễm Rubella có thể bị xảy thai.