Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ bị tiêu chảy rất nhiều do thức ăn, đồ uống rất dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy.
Đây là bệnh thông thường, thường chỉ kéo dài từ 3 - 7 ngày với biểu hiện chủ yếu là đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần/ngày khiến trẻ bị mất nước và điện giải theo phân làm cơ thể suy yếu.
Nhẹ trẻ có thể được chăm sóc ở nhà bằng cách bù nước đúng cách cũng có thể khỏi bệnh mà không cần đến bệnh viện. Nhưng đã có nhiều trẻ bị tiêu chảy bị biến chứng nghiêm trọng hơn rất nhiều như mất nước nghiêm trọng, sốc, thậm chí tử vong… vì sai lầm của cha mẹ.
|
Trẻ bị tiêu chảy có thể tử vong vì những sai lầm của cha mẹ. Ảnh minh họa |
Để trẻ không bị biến chứng nặng, khi trẻ bị tiêu chảy nhất định phải tránh sai lầm sau:
Tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy
Thấy con bị tiêu chảy vì nôn nóng muốn trẻ hết tiêu chảy ngay lập tức, không ít phụ huynh tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Song đa phần tiêu chảy do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng.
Dùng thuốc cầm, kháng sinh không đúng chỉ định có thể làm rối loạn thêm đường ruột, tiêu chảy khó lành. Hay việc cho trẻ uống thuốc chống nôn cũng rất nguy hiểm vì có thể gây ức chế thần kinh, trẻ ngủ nhiều, không nôn. Tưởng vậy là con đã khỏi nhưng lại làm bệnh trẻ nặng hơn, trẻ bị mất nước nhiều nếu không cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ nguy hiểm tính mạng.
Nhịn ăn sẽ bớt tiêu chảy
Bị tiêu chảy thì không được ăn uống bình thường, nhịn ăn sẽ bớt tiêu chảy – đó là quan niệm của không ít cha mẹ. Nhưng bản chất của tiêu chảy là do vi trùng, siêu vi tấn công, ruột bị tổn thương. Trẻ nhịn ăn, không có đủ dưỡng chất sẽ khiến quá trình hồi phục chậm, trẻ tiêu chảy nhiều hơn, gây suy dinh dưỡng… Trẻ vẫn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chỉ lưu ý tạm ngưng các thực phẩm nhuận trường, hạn chế thức ăn quá ngọt...
Nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu như nấu cháo loãng với thịt nạc, ăn chuối; không được cắt khẩu phần các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa… của trẻ. Không ép trẻ ăn uống quá nhiều, quá nhanh. Cho trẻ ăn làm nhiều bữa vì lúc này trẻ lười ăn, không nên ép trẻ ăn nhiều một bữa như bình thường càng khiến trẻ sợ.
Bù nước sai cách
Bù nước là nguyên tắc quan trọng khi chữa bệnh tiêu chảy vì cơ thể trẻ bị mất nước trầm trọng, việc thiếu nước có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, việc bù nước sai cách cũng gây hại cho trẻ.
Nhiều phụ huynh vô tình hại con bằng việc cho uống thật nhiều nước lọc để bù nước khiến bụng chướng lên gây biếng ăn. Nước lọc lại không bù được điện giải khiến trẻ dù uống nhiều nước nhưng vẫn bị mất nước trầm trọng.
Bù nước đúng cách là dùng dung dịch oresol nhưng nhiều người lại pha sai tỷ lệ hướng dẫn, ít hơn quy định để trẻ uống dễ hơn. Điều này có thể khiến trẻ nạp quá nhiều muối từ oresol vào trong cơ thể làm lượng muối trong máu tăng cao, các tế bào trong cơ thể bị hút hết nước khiến da nhăn khô, thậm chí gây tổn thương não…
Dung dịch oresol cần phải chuẩn hoặc nếu không nên mua dạng ống pha sẵn. Dung dịch nước biển cho uống sau khi trẻ đi tiêu lỏng chứ không nên uống cả ngày vì có thể khiến trẻ ngộ độc muối, làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy. Tránh dùng các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt để bù nước vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Khi nào trẻ cần đến viện?
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra cần thực hiện đầy đủ việc tiêm văcxin ngừa tiêu chảy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Đa phần trẻ bị tiêu chảy chăm sóc ở nhà cũng có thể ổn định. Trường hợp trẻ trẻ sốt cao khó hạ, li bì, co giật... cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trẻ uống nước nhiều, khóc không có nước mắt là dấu hiệu mất nước, có thể chuyển nặng.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):
Theo GĐ&XH