Chị lúc nào cũng nhún vai bảo: "Ai bảo chăm con là dễ". Đúng là chăm con không đơn giản song cái sai lầm của chị chính là chị nghe những kinh nghiệm truyền miệng từ người này qua người khác, chị coi đó là chân lý, mà không tự mình kiểm chứng.
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều người nghe kể lại mà không tin chị Quỳnh (Hàng Cháo, Hà Nội) lại vụng về, ẩu đoảng trong việc chăm con đến vậy, họ chẳng tin chị sống ở giữa Thủ đô, họ cứ nghĩ một bà mẹ với những cách chăm con kiểu này chắc phải ở tít vùng sâu vùng xa mới làm…
Chị Quỳnh rất tự tin về khoản chăm con khi Bi chào đời, thế nhưng chẳng hiểu chăm con thế nào gia đình chị suốt ngày có mặt trong bệnh viện. Khi Bi được 1 tuần tuổi, ngày nào chị cũng mệt mỏi, căng thẳng khi mẹ thì không có sữa, bé quấy khóc, dỗ thế nào cũng không nín, đặc biệt những lúc vừa ăn xong.
Chị cứ tưởng do bé làm nũng nên mặc kệ, nhưng khi tần suất những đợt khóc tăng mạnh, bé bỏ bú không chịu ăn triền miên, chị mới đành cho con vào viện. Vào viện, chị bất ngờ khi biết con bị đau bụng, và nguyên nhân khiến Bi đau bụng là do chị thường xuyên pha sẵn một bình sữa to 120ml cho bé uống nguyên nửa ngày. Chị tâm sự: “Từ khi sinh con, mình cũng biết bao nhiêu việc đến tay, chồng thì đi làm tối ngày, một mình chăm con. Vì muốn tiết kiệm thời gian, mình pha sẵn một bình lớn, khi nào con đói thì mình cho ăn”.
Chị lý luận rằng sữa không thể bị nhiễm bẩn vì mỗi lần bé ti bình xong chị đều tráng núm ti bằng nước nóng. Thế nhưng chị không hiểu rằng việc bú đi bú lại một bình, rồi sau mỗi cữ bú chị lại cho bình vào tủ lạnh khiến vi khuẩn xâm nhập, việc làm ấm bình chưa đúng cách khiến bé uống sữa lạnh. Tất cả những lý do đó khiến bé bị đau bụng dẫn đến quấy khóc.
Khi bé được 2 tuần tuổi, bỗng thấy con bị sổ mũi, nước mũi chảy ròng ròng, hắt xì hơi, ho hắng liên tục, thay vì cách lấy nước muối sinh lý tra rửa cho con thường xuyên, chị lại nghe các mẹ khác truyền nhau cách ép nhánh tỏi rồi nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi.
Quả nhiên, sau vài lần nhỏ, con hết luôn nước mũi, không hắt hơi, chị mừng lắm. Vậy là, cứ khi nào thấy con có dấu hiệu là chị lại nhỏ nước tỏi ép. Thế nhưng, sau vài hôm thấy con sốt dữ dội, chị cho bé dùng kháng sinh dành cho trẻ nhưng Bi không hề đỡ, lo lắng chị lại ôm con vào viện.
Tại bệnh viện chị tá hỏa khi biết mình suýt hại con. Bác sĩ bảo cách chị làm là một cách làm hoàn toàn sai lầm. Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm thật, đúng là tỏi có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Những bé dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi bé mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm dù hay thậm chí pha thêm nước muối sinh lý.
Hiện tại niêm mạc mũi của bé Bi bị bỏng rộp. Chị nhớ lại, “Thảo nào bé cũng có vẻ khó thở, toàn thở bằng miệng”. Chính điều này khiến bé bị viêm họng. Nguyên nhân bé bị sốt là do viêm họng. Bé không thể khỏi được vì loại kháng sinh chị dùng cho bé đâu có đúng thuốc.
Dù đã "kinh qua" vài chuyện như vậy nhưng chị vẫn đoảng, chị luôn tâm niệm cho con lớn lên một cách tự nhiên nhất. Chuyện rửa mặt, vệ sinh răng miệng mỗi sáng hàng ngày cho con, chị coi đó là việc làm "thích thì rửa, không thì thôi". Đến khi bế sang hàng xóm, mọi người nhắc nhở chị rơ lưỡi cho bé vì lưỡi bé đóng một lớp trắng khá dày, chị cũng kệ, còn chép miệng bảo: ''Trẻ con đứa nào chả bẩn, chả trắng lưỡi''.
Hiện Bi đã gần 3 tuổi, nhưng không ngày nào bé không được bé đóng bỉm từ sáng tới tối, tối mới bỏ ra để rửa qua loa cho có, xong đâu đấy chị lại đóng cho bé cái khác tới sáng hôm sau. Ai mà nhắc nhở chị về vụ "chim cò bé bị hăm", chị lại giận dỗi ra điều: "Trẻ nào chả bị hăm! Cứ gì con tôi"...
Chính vì sự vụng, sự đoảng của mẹ mà Bi ăn mãi chẳng lớn khôn, bé gày yếu, xanh xao thấy rõ.
Theo Kiến thức trẻ