Cháu Nguyễn Thị L. (7 tuổi ở Hà Nội) bị ho. Trước khi đi ngủ, mẹ cháu thường cho uống thuốc trị ho dạng siro vì nghĩ con sẽ bớt ho, ngủ ngon. Nào ngờ, cháu ho suốt đêm khiến cả nhà mất ngủ, mệt mỏi.
|
Ảnh minh họa. |
Lời bàn: Nhiều người hay uống thuốc ho trước giờ ngủ để tránh ho đêm nhưng lại không biết có khi tác dụng ngược lại. Thuốc siro chống ho về mặt cơ bản không có tác dụng lên thần kinh trung ương, không có tác dụng phụ gây mất ngủ, không gây ra thức giấc. Nhưng nó lại không thể dùng quá gần giấc ngủ vì nó có thể gián tiếp gây ra mất ngủ cho người dùng. Lý do đơn giản đó là vì siro chống ho rất hay chứa các thuốc làm lỏng đờm, loãng đờm, tan đờm.
Về mặt bản chất chúng làm tăng tiết dịch từ đường hô hấp vào trong đờm và đờm trở lên tăng về số lượng và giảm về độ đặc. Điều này kích thích gây ho mạnh. Đờm càng lỏng thì gây ho càng nhiều. Tác dụng này về mặt điều trị là tốt (vì dễ đẩy được đờm ra ngoài) nhưng về mặt cơ thể thì chưa tốt vì ho làm cho người bệnh không ngủ được. Sự cố ho quá mất ngủ gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Thường thì tác dụng lỏng đờm gây tăng phản xạ ho xuất hiện chừng 20 - 30 phút sau uống và nó kéo dài chừng 1 – 2 giờ sau đó. Những người có ngưỡng kích thích đường hô hấp thấp, tức là dễ ho thì càng hay gặp phải sự cố này. Vì vậy, không nên uống thuốc gần giấc ngủ buổi tối. Tối thiểu phải uống trước khi ngủ 3 giờ đồng hồ.
BS Cao Hồng Phúc (Bệnh viện 103)