Da tróc vảy bay lả tả
Cứ đến mùa đông chị Nguyễn Thị Duyên Hà (Hà Nội) không dám mặc váy hay đi tất mỏng. Đơn giản, chân chị bị khô nẻ quá nhiều. Kéo ống quần lên cho chúng tôi xem, lớp da khô đóng vảy như da rắn. Khi xoa nhẹ, từng lớp da bong tróc, trắng khô bay lả tả. Lớp nẻ kéo dài từ mắt cá chân lên ngang nửa bắp chân. Nhìn kỹ, da khô tạo ra các rãnh sâu, trắng bạc.
Chị chia sẻ, da chị vốn da dầu nhưng chân tay lại rất khô. Vì thế, dù mùa đông, người đôi khi có nhờn nhưng nẻ ở cơ thể vẫn hoàn nẻ. Khi bôi thêm kem dưỡng da, cơ thể ẩm ướt khó chịu dù chân tay có đỡ phần nào. Nhưng chỉ cần khoảng một tuần không bôi kem thường xuyên, da lại trở nên thô ráp như đã thấy.
"Da nẻ nhiều nên tôi rất mất tự tin khi đi mua sắm, mặc quần áo. Mùa đông các bạn gái diện tất mỏng, mặc váy ngăn trông rất đẹp và quyến rũ thì tôi lại mặc quần hoặc tất dày. Nếu mang tất ngắn phải đi bốt cao đến đầu gối. Vào nhà ai là tôi nhất quyết không cởi bốt ra", chị Duyên Hà nói.
Theo tác giả cuốn sách Tự làm mỹ phẩm, Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thực Mỹ Phẩm Grandpa's Garden, ai cũng có thể bị tình trạng da khô nẻ mùa đông. Với một số người có cơ địa da khô, tình trạng mất nước vào mùa đông cao hơn có thể dẫn đến khô nẻ như da rắn, như mọi người vẫn nói.
Phân tích về nẻ da, chị Đỗ Anh Thư cho hay, trong các tế bào da có một phần lớn là nước và giữa các tế bào da cũng có một mối liên kết nước. Vào mùa đông, độ ẩm thấp, cơ thể bị mất độ ẩm ra ngoài môi trường (theo cơ chế bình thông nhau). Khi mất một lượng nước lớn, các tế bào da sẽ chết đồng loạt, gây ra hiện tượng bong vảy, da sần sùi hoặc da rắn.
|
Truy nguyên nhân da tróc vảy "bay lả tả" trong mùa đông bạn sẽ tìm được cách khắc phục hiệu quả vấn đề này. (Ảnh minh họa) |
Tác dụng phụ của dưỡng ẩm
Chị Đỗ Anh Thư cũng cho biết thêm, da nẻ có thể xảy ra hai trường hợp. Một là, ở da một số người sẽ tiết ra nhiều dầu để hạn chế mất nước, vì lớp màng dầu trên da có tác dụng ngăn thoát hơi nước. Nhiều người cho rằng da mình dầu nhưng thực chất do da đang bị mất nước dẫn đến tăng sản xuất dầu. Trường hợp thứ hai là trên bề mặt da không có một lớp dầu đủ để bảo vệ khỏi tình trạng mất nước. Đối với da khô nẻ các rãnh sâu là nơi thoát hơi nước nhiều và dễ khiến da bị viêm nhiễm do vi khuẩn và các tác động khác của môi trường.
Cách chăm sóc da cho mùa đông chủ yếu là tạo được độ ẩm bền vững cho da. Trong mỹ phẩm có những thành phần được gọi là "chất hút ẩm", cơ chế của chúng là hút độ ẩm từ không khí để lưu trên da. Một số chất hút ẩm thường gặp trong mỹ phẩm là glycerin, butylene glycol, propylene glycol. Tuy nhiên, trong mùa hanh khô, nếu chỉ dùng những thành phần này trên da thì có thể gây ra tác dụng ngược lại, vì độ ẩm trong môi trường thấp nên chúng có thể hút ẩm từ cơ thể ra. Vì vậy, song song với những thành phần này, các sản phẩm chăm sóc da mùa hanh khô còn cần thêm những thành phần ngăn sự thoát nước từ trong cơ thể. Những thành phần này có thể là dầu thực vật, mỡ cừu, dimethicone...
(còn nữa)
Có thể nhận biết da dầu và thừa nhiều dầu như sau: Da dầu sẽ phẳng mịn bóng loáng, còn da thừa dầu do thiếu nước vẫn thấy khô, nếu tinh ý sẽ thấy da như thô ráp và quăn queo. Nếu không nhận ra yếu tố này, cứ dùng chế độ chăm sóc làm sạch dầu cho da càng khiến tình trạng dầu tồi tệ hơn. Vì khi bị làm khô, da càng tiết ra thêm dầu.
Chị Đỗ Anh Thư
Mời quý độc giả xem clip hướng dẫn cách làm dầu dừa đơn giản nhất:
Hiền Dung