Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Công ty Xuyên Việt Oil), hiệu lực bắt đầu từ ngày 11/8/2023.
Đây là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, thị phần của Công ty Xuyên Việt Oil chủ yếu cung cấp cho một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Quyết định trên được thực hiện sau khi Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023 của 4 thương nhân đầu mối xăng dầu.
|
Ảnh minh họa. |
Hàng loạt sai phạm của Xuyên Việt Oil
Theo tìm hiểu, Công ty Xuyên Việt Oil được thành lập từ năm 2005, có địa chỉ trụ sở chính 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM, do bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979) làm đại diện kiêm giám đốc. Tại thời điểm ngày 10/8/2022, vốn điều lệ của Công ty Xuyên Việt Oil đạt 3.000 tỷ đồng.
Ngày 19/11/2021, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, hiệu lực trong 5 năm.
Trước đó, tại kết luận thanh tra được Bộ Công Thương thực hiện hồi đầu năm 2022, công bố vào cuối năm này, đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại Công ty Xuyên Việt Oil.
Theo đó, một trong những điều kiện quan trọng để Công ty Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển.
Để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể, Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty CP Đại Đồng Xuân.
Tuy nhiên trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
Theo Bộ Công Thương, điều này là "không đúng quy định". Bộ Công Thương cũng kết luận Công ty Xuyên Việt Oil chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).
Năm 2021, Công ty Xuyên Việt Oil không đăng ký hệ thống phân xăng dầu định kỳ với cơ quan quản lý.
Trong quá trình thanh tra, Công ty Xuyên Việt Oil bị phạt hành chính tới 4 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý...
Kinh doanh “bết bát”, nợ thuế đầm đìa
Về tình hình kinh doanh, năm 2017 Công ty Xuyên Việt Oil báo doanh thu khoảng 4.854 tỷ đồng, đến năm 2018 thì tăng lên 10.794 tỷ đồng, năm 2019 là 11.176 tỷ đồng, và đến năm 2020 thì giảm về mức 8.943 tỷ đồng.
Lợi nhuận Công ty Xuyên Việt Oil lại lao dốc dù doanh thu có phần tăng trưởng. Theo đó, mức lỗ sau thuế ở năm 2017 là 210 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 370 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 424 tỷ đồng, đến năm 2020 con số gần gấp đôi là lỗ 957 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Công ty Xuyên Việt Oil âm hơn 912 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp đạt 7.454 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil không được Hải quan giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là do công ty này chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỷ đồng. Do vậy, Cục Thuế TP.HCM đề nghị cơ quan Hải quan tạm dừng thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Xuyên Việt Oil.
Đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1,5 tháng, kể từ ngày 28/7/2022.
Gần đây nhất, trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Thuế TP.HCM công bố, Công ty Xuyên Việt Oil lại nằm trong danh sách những doanh nghiệp đang nợ thuế cao với số tiền lên tới 1.531 tỷ đồng.
Khánh Hoài (T/H)