Xuất khẩu Việt Nam có thể “bắt tay” các cường quốc trên thế giới

Xuất khẩu Việt Nam có thể “bắt tay” các cường quốc trên thế giới

Với kinh nghiệm gần 20 năm, ông Nguyễn Tuấn Việt - CEO Vietgo, khẳng định, xuất khẩu Việt Nam đang đi đúng hướng. Không chỉ doanh nghiệp lớn, những công ty nhỏ lẻ cũng đang làm rất tốt, có thể bắt tay với cường quốc trên thế giới.
Nhân số báo kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Khoa học và Đời sống (30/9/1959 - 30/9/2024, nay là ấn phẩm Khoa học và Đời sống - Báo Tri thức và Cuộc sống) và chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10),  PV có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tuấn Việt - Founder, CEO Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo - về thực trạng, tiềm năng của ngành xuất khẩu nước ta trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều biến động.
Đề cao tinh thần cộng đồng
- Thị trường quốc tế có những đòi hỏi và yêu cầu khác biệt so với thị trường nội địa. 20 năm qua, ông đối mặt thách thức nào khi đưa hàng Việt ra toàn cầu?
Thị trường quốc tế với 200 quốc gia, kinh tế và văn hóa khác nhau, tất nhiên rất khác biệt. Tuy nhiên, vì chúng tôi xúc tiến với số lượng doanh nghiệp lớn nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm để đưa được ra quy luật, quy tắc mang tính thống kê, định hướng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những cái bẫy trong xuất khẩu.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu và có chung tư duy với đối tác, làm bạn với đối tác. Đôi khi, đối tác sẽ dạy cho doanh nghiệp trong nước nhiều bài học mà chúng ta còn thiếu sót, tức là phải đề cao tinh thần cộng đồng, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.
Xuat khau Viet Nam co the “bat tay” cac cuong quoc tren the gioiÔng Nguyễn Tuấn Việt làm việc với đối tác châu Âu.
 
- Ông có thể chia sẻ về chiến lược tìm kiếm và phát triển đối tác xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam?
Hiện nay, trên thế giới, các cường quốc phát triển về xuất khẩu có những trang web B2B (Business To Business), ví dụ Alibaba (Trung Quốc), EC21 (Hàn Quốc) hay indianMART (Ấn Độ)… Mỗi quốc gia muốn trở thành cường quốc xuất khẩu đều phải sử dụng hệ thống B2B, vì thu nhập từ xuất khẩu là thu nhập lớn mạnh nhất.
Chúng tôi có vai trò thúc đẩy các khối doanh nghiệp Việt Nam và phải là chỗ dựa cho những nền kinh tế láng giềng để họ có thể phụ thuộc, xuất khẩu nhờ vào mình. Chính vì thế, chúng tôi cũng có những chiến lược phát triển riêng biệt.
Ví dụ, tất cả trang B2B như tôi vừa kể trên đều phát triển dựa trên thống kê danh sách khách hàng, nhà cung cấp. Chúng tôi làm ngược lại là liệt kê danh sách người mua hàng, bởi vì đội ngũ marketing/sale của công ty nào cũng chỉ đi tìm khách hàng. Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu những thị trường ít tiêu chuẩn như Ấn Độ hoặc Trung Đông chứ không nên nóng vội “tấn công” ngay thị trường “khó tính” như Mỹ và châu Âu.
Xuat khau Viet Nam co the “bat tay” cac cuong quoc tren the gioi-Hinh-2CEO Vietgo đưa khách hàng nước ngoài tham quan, kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. 
  
- Theo ông, đâu là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu nhất trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của thương mại điện tử?
Khoảng 15 năm trước, doanh nghiệp Việt Nam tập trung xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng theo tôi, đó là cách phát triển không chính xác. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt chuyển dần sang những nhóm ngành mà tôi cho là rất chiến lược và đang đi đúng hướng. Đó là hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, ví dụ như dệt may, đồ gỗ, nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng… tức là những mặt hàng dùng sẽ hết và phải mua liên tục, không thể không mua.
Tôi thấy, thị trường của chúng ta đang đi rất chính xác và chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng dần vào những nhóm mặt hàng có giá trị cao để thay thế những nhóm mặt hàng có giá trị thấp, nhanh nâng cao được kim ngạch và khai thác được thị trường quốc tế mạnh hơn.
Phải có kiến thức để có thể sòng phẳng với đối tác quốc tế
- Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực xuất khẩu, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang muốn mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế?
Theo tôi, những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hướng đến thị trường xuất khẩu. Chúng ta hướng đến thị trường đông dân hơn, đất nước có GDP lớn hơn… sẽ có được số lượng nhiều và đơn giá cao.
Ngoài ra, áp dụng chuẩn kiến thức về xuất nhập khẩu quốc tế, chúng ta sẽ được thanh toán ngay không bị nợ đọng. Kinh nghiệm trong quá trình xúc tiến, quan trọng nhất là kiến thức để có thể sòng phẳng với đối tác quốc tế, bắt tay, hợp tác với tất cả đối tác lớn trên toàn cầu.
Việt Nam đang là điểm đến của thị trường xuất khẩu, rất nhiều doanh nhân lớn của nước ngoài mong muốn được khai thác, lấy hàng từ Việt Nam. Chúng ta có nhiều mặt hàng gần như có thế mạnh tuyệt đối trên thị trường quốc tế.
- Trong suốt hành trình 20 năm, điều gì là động lực lớn nhất khiến ông và Vietgo kiên trì với sứ mệnh đưa hàng Việt ra thế giới?
Trong quá trình làm xúc tiến xuất khẩu, chúng tôi thấy rằng cần phải nâng tầm được cá nhân doanh nghiệp và của thị trường Việt Nam so với thị trường quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp là thanh niên Việt Nam không vốn, không xưởng không ngoại ngữ mà xuất khẩu thành công dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm, những đối tác mà chúng tôi chia sẻ.
Đó là niềm tự hào của chúng tôi. Nếu họ không thành công, đôi khi họ sẽ trở thành gánh nặng của kinh tế, nhưng thật hạnh phúc khi các doanh nghiệp được chúng tôi hỗ trợ tỷ lệ thành công cao.
Xuat khau Viet Nam co the “bat tay” cac cuong quoc tren the gioi-Hinh-3Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, Vietgo có khoảng 52.000 khách nước ngoài thân thiết trên toàn cầu. Mỗi tháng thường xuyên có 1.200 đến 1.500 đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. 
 
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay?
Vai trò của Chính phủ rất quan trọng và tôi cũng xin gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đã làm rất tốt.
Những năm gần đây, chúng ta đã có thể bắt tay với tất cả nước trên thế giới mà không phụ thuộc vào bất cứ phe phái hay một xu hướng kinh tế ngoại giao nào cả. Việt Nam có một hệ thống FTA gần như là vô địch thế giới với 18 FTA, trở thành đối tác chiến lược toàn diện với những cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ và những nước trong top quốc gia xuất nhập khẩu mạnh trên toàn cầu. Qua đó, chúng tôi tận dụng, nắm bắt các cơ hội để cụ thể hóa thành các đơn hàng xuất khẩu, cụ thể hóa thành các dòng tiền ngoại...
- Có những góp ý nào mà ông kỳ vọng để giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong quá trình vươn ra thị trường quốc tế?
Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam không nên nhìn vào những bài học thất bại, tiêu cực, họ phải có những cái nhìn tốt, những người thành công và tỉnh táo đối với thị trường quốc tế.
Mỗi quốc gia cần có hệ thống B2B riêng để chủ động trong việc phát triển kênh doanh thu về xuất khẩu. Chúng tôi mong mỏi có cơ chế tốt hơn để hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, để họ có những lợi thế cạnh tranh vì khuyến khích được đội ngũ công ty thương mại cũng chính là khuyến khích đội ngũ bán hàng, giúp cho nền kinh tế bán tốt hơn và tăng được dự trữ ngoại hối.
Xin cảm ơn ông!

Cùng đại lý của Alibaba, Vietgo là một trong 2 kênh để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. Vietgo có khoảng 52.000 khách nước ngoài thân thiết trên toàn cầu. Mỗi tháng thường xuyên có 1.200 đến 1.500 đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chào hàng xuất khẩu. Vietgo đang xúc tiến cho khoảng 4.000 doanh nghiệp trong nước và 1.000 doanh nghiệp nước ngoài.

CEO Vietgo Nguyễn Tuấn Việt nói: “Điều khiến tôi tự hào nhất là đào tạo và xây dựng được đội ngũ những công ty thương mại từ 1 đến 2 người, không vốn, không xưởng sản xuất, không biết tiếng Anh… Từ những chia sẻ, hỗ trợ của chúng tôi, họ đã có thể xuất khẩu.”

 
Thu Hương - Đức Thuận (thực hiện)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu