Liên quan đến tình trạng nhiều trường hợp xe quá khổ, quá tải, tự ý cải tạo phương tiện dù bị lực lượng chức năng xử lý nhưng vẫn ngang nhiên chạy trên một số tuyến đường thuộc địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) như: Khu vực Dốc Lời ra đường Ỷ Lan và đê tả sông Hồng hướng ra Lý Thành Tông để về Hưng Yên, ngày 7/10/2022 Thượng tá Hoàng Xuân Trường - Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm đã có văn bản phản gửi đến Báo Tri thức và Cuộc sống.
Trong văn bản, ông Trường lý giải do huyện Gia Lâm đang trên đà phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án đường đang được triển khai, nâng cấp, mở rộng, đặc biệt thời gian gần đây có nhiều dự án mới xây dựng tại các địa bàn giáp ranh như quận Long Biên (Hà Nội), huyện Văn Giang (Hưng Yên) nên nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua địa bàn huyện để phục vụ thi công các dự án. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
|
Khu cảng gần chân cầu Thanh Trì, hàng ngày có nhiều xe tải ra vào chở cát, vật liệu xây dựng nhộn nhịp. |
Công an huyện Gia Lâm khẳng định, ngay từ đầu năm, Công an huyện đã tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo 197 huyện xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch theo chuyên đề.
“Công an huyện thường xuyên phối hợp với đội CSGT số 5 PC08 Công an TP Hà Nội, Đội TTGT vận tải huyện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT đặc biệt là các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, chở vật liệu xây dựng rơi vãi, lôi kéo đất ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…”, Thượng tá Hoàng Xuân Trường khẳng định.
|
Trong 3 tháng thực hiện cao điểm, Công an huyện Gia Lâm đã xử lý tổng 505 trường hợp vi phạm. |
Công an huyện Gia Lâm cũng thông tin kết quả 3 tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 20/6 - 20/9/2022 theo kế hoạch của Bộ Công an). Cụ thể, xử lý tổng 505 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 2 tỷ đồng; tước GPLX 99 trường hợp; tạm giữ 89 phương tiện, riêng vi phạm tải trọng, “cơi nới thành thùng xe” thì có 85 trường hợp.
Bên cạnh đó, Công an huyện Gia Lâm cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát, Công an huyện nắm được các doanh nghiệp, cá nhân có xe kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng thường xuyên tìm cách đối phó (bố trí người cảnh giới, bám sát, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng), điều này gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.
|
Chiếc xe tải cơi nới thành thùng chạy trên địa bàn huyện Gia Lâm bị Đội Thanh tra Giao thông cầu, đường bộ "đột kích" xử lý vào ngày 5/10/2022. |
Theo lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm, thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với Công an huyện Gia Lâm thực hiện có hiệu quả các văn bản quy định của Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn huyện.
Tiếp tục duy trì phối hợp với các lực lượng TTGT vận tải huyện, Đội CSGT số 5 trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến thuộc địa bàn huyện…
|
Chiếc xe gắn lô gô TS chạy chở cát ở bến gần chân cầu Thanh Trì. |
Trước đó, trong các ngày 26/9/2022 và 5/10/2022, Đội Thanh tra Giao thông cầu, đường bộ của Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã “đột kích” các phương tiện xe tải có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn huyện Gia Lâm và xử phạt nhiều trường hợp xe cơi nới, chở cát gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, hiện nay, vẫn đang xuất hiện nhiều chiếc xe tải gắn trước kính logo “Soltech V”, “TS”… có dấu hiệu vi phạm nối đuôi nhau chạy từ bến “Long Thùy” (gần cầu Thanh Trì, Gia Lâm, Hà Nội) ra đoạn tả đê sông Hồng, hướng đường Lý Thánh Tông để về Hưng Yên.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang