Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đã kiệt quệ, tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ khi lượng khách ít ỏi, trong khi giá nhiên liệu tăng “phi mã.”
Từ đầu tháng 10, một số tuyến xe khách liên tỉnh ở TP.HCM được hoạt động trở lại, đến nay, khi hỏi về tình hình kinh doanh, đa phần các chủ xe, tài xế đều lắc đầu lỗ nặng vì không có khách.
Càng chạy càng lỗ
Sau khi mở cửa trở lại xe khách liên tỉnh, nhiều doanh nghiệp vận tải chạy được vài ngày đã phải dừng hoạt động vì không có khách, do một số địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao.
|
Bến xe khách Miền Đông lác đác chỉ vài vị khách. |
Ngày 23/11, ghi nhận của phóng viên VTC News tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), các xe xuất bến luôn vắng khách và chưa có dấu hiệu cải thiện so với những ngày đầu hoạt động. Khu vực sảnh chờ có thời điểm không một bóng khách, chỉ lác đác một vài người là nhân viên nhà xe, bảo vệ bến.
Ông Phan Huy Hoàng (chủ xe tuyến Đăk Song, Đăk Nông) cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ có từ 3 - 5 khách sử dụng dịch vụ, giảm rất nhiều so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Không có hành khách, nhiều xe chuyển sang chở hàng hóa.
"Mỗi lần xe xuất bến, chi phí cả đi về hết khoảng 7 triệu đồng gồm xăng dầu, ăn uống, phí xe hai đầu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao nên chúng tôi càng chạy càng lỗ. Không chạy sợ mất lốt, mất khách quen nhưng càng chạy càng lo", ông Hoàng nói.
|
Ông Phan Huy Hoàng. |
Ông Hoàng lái xe giường nằm 41 chỗ và mới hoạt động trở lại bắt đầu từ ngày 26/10. Ông kể, khách đi TP.HCM đông nhất chỉ có 10 người, lúc khách về chỉ có 2 - 3 người với giá vé 170.000 đồng. Tình trạng này cứ kéo dài từ lúc mới hoạt động trở lại cho đến hiện tại, khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn vì liên tục bù lỗ.
"Trên mỗi chuyến xe, nếu không có khách thì khoản tiền thu nhờ vào hàng hóa là chủ yếu, nhưng hiện nay hàng hóa càng ngày càng sụt giảm mỗi ngày chỉ có 2 - 3 kiện hàng", ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, với tình trạng vắng khách trong thời gian qua, ngay cả khi xăng dầu chưa tăng giá, các nhà xe đã phải chịu lỗ bởi giá vé bán ra không thể bù lại chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ như lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, phí đường bộ. Với việc giá xăng dầu tăng "phi mã" trong thời gian qua, chắc chắn nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ không thể cầm cự được.
Chủ xe kiêm luôn phụ xe
Không riêng nhà xe của ông Hoàng, hầu hết các nhà xe khác đều rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều tài xế hay chủ xe ở các tỉnh đa phần ngồi ngóng đợi khách hoặc hàng hóa.
|
Bến xe khách Miền Đông. |
Ngồi chờ khách từ sáng sớm, bà Hồ Thị Thu Phượng, chủ tuyến xe Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, trước đây, nhà xe của bà có nhiều chiếc cùng chạy nhưng hiện tại chỉ còn 2 chiếc được hoạt động ngược chiều, những xe còn lại phải nằm “trùm mền” chờ đợi.
Hiện, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp một số phụ xe, tài xế của bà Phượng xin nghỉ việc vì liên tục trên các chuyến xe không có khách hay hàng hóa.
''Hiện nay, đại đa số người dân ở TP.HCM họ đổ về quê nhiều vì dịch COVID-19. Phần khác, bây giờ nhu cầu đi lại của người dân chưa nhiều, họ còn e ngại dịch bệnh, sợ bị lây nhiễm. Lúc trước tôi thường xuyên chở các kiện hàng chủ yếu là đồ ăn, thực phẩm khô do người dân gửi cho con cái ở thành phố. Giờ họ về hết, có hàng đâu nữa mà chở", bà Phượng than thở.
|
Khách gửi hàng đi rất ít, nhà xe phải treo biển nhận hàng. |
Thiếu nhân viên, bà Phượng từ chủ xe kiêm luôn phụ xe. Theo bà Phượng, mọi chi phí từ Châu Đức lên đến bến xe Miền Đông để chở khách lên, về tầm 2 triệu đồng mỗi ngày (gồm cả chi phí cho một tài xế, một phụ xe).
Với giá vé 65.000 đồng/người, bà Phượng cho rằng, hôm có vài ba khách thì lỗ từ 300 - 400.000 đồng, hôm không có khách nhưng bù lại có vài kiện hàng hóa lỗ 100 - 200.000 đồng/chuyến. Những hôm không có gì, bà bỏ tiền của mình để bù lỗ.
Bà Phượng cho biết thêm, bây giờ cố gắng cầm cự, kiếm được gì hay đó nên xe của bà vẫn chạy bình thường mỗi ngày. "Có chạy vẫn hơn ngồi không và không có tiền", bà Phượng nói.
Theo Hoàng Thọ/VTCNews